Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ANT1 của Hy Lạp ngày 9/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đã lên kế hoạch chuyển giao hệ thống “rồng lửa” S-400 mới Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp sự phản đối của Mỹ.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn, ông Peskov tái khẳng định quan điểm của Moscow về việc Mỹ áp lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hợp đồng đặt mua hệ thống phòng không S-400. "Nga tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao hợp tác với tất cả các quốc gia khác nhau, đặc biệt là các đối tác của chúng tôi. Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nói chung, hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 không nên xem là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là đối với Hy Lạp” – quan chức Điện Kremlin nhấn mạnh.
Hồi năm 2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã ký một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc đặt mua hệ thống phòng không S-400. Theo đó, Ankara sẽ nhận được 2 tiểu đoàn S-400 do phía Nga bàn giao. Ngoài ra, Nga cũng có nghĩa vụ chuyển giao từng phần công nghệ sản xuất thiết bị tên lửa phòng không tối tân này cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm sở hữu các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga đã trở thành nguồn cơn gây sóng gió trong quan hệ giữa nước này với Mỹ và nhiều nước thành viên trong khối NATO. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10/2020 tuyên bố rằng Ankara sẽ không từ bỏ hệ thống S-400, bất chấp sức ép của Washington.
Cũng vì lý do này, Mỹ đã loại Ankara khỏi danh sách các nước tham gia chương trình phát triển máy bay ném bom F-35 thế hệ thứ 5, tạm dừng đơn đặt hàng 100 máy bay phản lực thế hệ mới của Thổ Nhĩ Kỳ và khởi động các thủ tục cần thiết để áp đặt trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ theo một đạo luật năm 2017 - vốn được đưa ra để ngăn cản các nước giao dịch vũ khí với Nga. Vào tháng 12/2020, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), người đứng đầu cơ quan này - Ismail Demir và ba quan chức khác, liên quan đến việc nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Hồi tháng 9 vừa qua, Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có ý định mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 thứ hai từ Nga, động thái có thể khiến Washington kích hoạt các lệnh trừng phạt mới đối với Ankara.
Mặc dù vậy, các cuộc đàm phán chuyển giao lô hàng S-400 thứ hai vẫn tiếp tục giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà Washington nhiều lần cảnh báo sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt mới đối với Ankara. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington đã nhiều lần khẳng định với Thổ Nhĩ Kỳ rằng bất kỳ hợp đồng mua vũ khí mới nào từ Nga sẽ đối mặt nguy cơ chịu áp đặt lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
S-400 hiện được đánh giá là mẫu vũ khí phòng thủ tiên tiến nhất thế giới mà Nga xuất khẩu ra nước ngoài, có thể đánh chặn toàn bộ mục tiêu bay ở khoảng cách 30-400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo.