Trả lời phỏng vấn hãng tin Tass ngày 28/9, ông Vladimir Dzhabarov - Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga, cho biết vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên chứng tỏ rằng Bình Nhưỡng có khả năng đẩy lùi tất cả những hành động gây hấn vào bất kỳ thời điểm nào.
Vì vậy, theo ông Dzhabarov, để tránh làm leo thang căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên, các nước gồm Nga, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường đối thoại với cả Hàn Quốc và Triều Tiên. "Tôi cho rằng các nước đang nỗ lực thúc đẩy hòa bình tại Bán đảo Triều Tiên, gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ,và có thể cả Nhật Bản - nên thiết lập cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa tại khu vực này." - ông Dzhabarov nói.
Quan chức Nga nhấn mạnh rằng vấn đề Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết "trong điều kiện bình thường hóa quan hệ giữa hai miền Triều Tiên”. "Rõ ràng, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đều không giải quyết vấn đề này trên bàn đàm phán. Theo quan điểm của tôi, Triều Tiên muốn chứng tỏ rằng nước này sẵn sàng đẩy lùi mọi hành động gây hấn vào bất cứ thời điểm nào" - ông Dzhabarov nói thêm.
Trong một diễn biến liên quan, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) ngày 29/9 đưa tin, Triều Tiên vừa phóng thử một tên lửa siêu thanh mới phát triển, nằm trong loạt vũ khí mới nhất mà nhà nước này đang tiến hành thử nghiệm.
Trước đó, quân đội Hàn Quốc xác nhận rằng Triều Tiên đã phóng tên lửa siêu thanh từ đất liền ra ngoài khơi bờ biển phía đông bán đảo Triều Tiên vào ngày 28/9.
Theo KCNA, sự phát triển của hệ thống vũ khí này sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Triều Tiên, đồng thời mô tả tên lửa siêu thanh là một "vũ khí chiến lược". KCNA nói rằng tên lửa siêu thanh có tên gọi Hwasong-8, đã thực hiện thành công các mục tiêu kỹ thuật, "bao gồm khả năng cơ động dẫn đường và các đặc tính bay lượn của đầu đạn siêu thanh trượt tách rời".
Nguồn tin cũng cho hay, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un không thị sát vụ phóng và các nhà khoa học quốc phòng đã xác nhận khả năng kiểm soát điều hướng và độ ổn định của tên lửa trong lần thử đầu tiên.
Vụ thử tên lửa cũng cho thấy Triều Tiên đang tham gia một cuộc đua tăng tốc cùng với Mỹ, Nga và Trung Quốc nhằm triển khai loại vũ khí mới này.
Giới chuyên gia cảnh báo tên lửa siêu thanh của Triều Tiên có thể là "nhân tố thay đổi cuộc chơi," với tốc độ ít nhất Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh), rất khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có.
Bình Nhưỡng đã và đang phát triển đều đặn các hệ thống vũ khí của mình trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm tháo dỡ các kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, đang rơi vào bế tắc.
Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố họ sẵn sàng xem xét tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác với Hàn Quốc nếu các nước láng giềng có thể đảm bảo được sự tôn trọng lẫn nhau, sau lời kêu gọi của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Hai miền Triều Tiên đều đã thử tên lửa đạn đạo vào ngày 15/9, một phần của cuộc chạy đua vũ trang mà theo đó cả hai quốc gia đều phát triển các loại vũ khí ngày càng tinh vi, trong khi những nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng dường như không có kết quả.
Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khởi xướng vào năm 2018, đã bị đình trệ kể từ năm 2019./.