Theo AP, chính phủ Nga ngày 2/2 đã lên án quyết định của Mỹ triển khai thêm hàng nghìn binh sĩ tới Đông Âu, coi đây là hành động vô căn cứ và bước đi "mang tính phá hoại" trong bối cảnh leo thang căng thẳng trong khu vực.
Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Alexander Grushko nêu rõ: "Những bước đi mang tính phá hoại khiến căng thẳng quân sự gia tăng và làm giảm cơ hội đạt được những quyết sách chính trị".
Trước đó cùng ngày Lầu Năm Góc thông báo Tổng thống Joe Biden đã chính thức thông qua quyết định cho phép quân đội nước này triển khai thêm lực lượng tới Đông Âu do lo ngại Nga có hàng động quân sự đối với Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, khoảng 2.000 quân sẽ được điều động từ căn cứ Fort Bragg, bang Bắc Carolina tới Ba Lan và Đức trong tuần này. Trong khi đó, khoảng 1.000 quân tại Đức và Romania sẽ được tái bố trí. Các biện pháp này sẽ được thực hiện trong những ngày sắp tới.
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc dự kiến tiếp tục điều động lực lượng Mỹ bên trong châu Âu, cũng như đặt thêm hàng nghìn quân vào trạng thái sẵn sàng điều động, bên cạnh khoảng 8.500 quân nhận mệnh lệnh tương tự trước đó.
Trong thông báo chính thức sau đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định số binh sĩ trên sẽ không tham chiến ở Ukraine mà chỉ nhằm củng cố nhiệm vụ phòng thủ của các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). "Đây không phải là lệnh điều chuyển lâu dài mà chỉ nhằm phản ứng trước môi trường an ninh hiện tại và đảm bảo khả năng phòng thủ mạnh mẽ của các đồng minh NATO", ông Kirby nêu rõ.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 2/2 cũng khẳng định Mỹ không triển khai quân đội đến Ukraine.
Căng thẳng bắt đầu từ hồi tháng 11/2021, khi phương Tây cáo buộc Nga điều khoảng 100.000 binh sĩ áp sát biên giới Ukraine với kế hoạch tiến đánh nước này. Tuy nhiên, Moscow bác cáo buộc và khẳng định mọi động thái đều nhằm tự vệ. Các cuộc hội đàm an ninh giữa Nga và Mỹ trong tháng này đã không thể xoa dịu căng thẳng, dù hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận.
Tuy nhiên, ông Kirby hôm 2/2 đã xác nhận nguồn tin của truyền thông Tây Ban Nha nói rằng Mỹ có thể sẵn sàng ký kết một thỏa thuận với Nga để giảm bớt căng thẳng về việc triển khai tên lửa ở châu Âu nếu Moscow rút quân đội khỏi biên giới gần Ukraine.
Trước đó, Nhật báo El Pais đã công bố hai tài liệu mà ông Kirby xác nhận là văn bản hồi đáp của Mỹ và NATO trong tuần trước đối với các đề xuất của Nga về một thỏa thuận an ninh mới ở châu Âu.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 2/1 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm mới với Thủ tướng Anh Boris Johnson về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, cuộc điện đàm này không đạt bất kỳ tiến triển nào, khi Tổng thống Putin nói rằng phương Tây không đưa ra cam kết đảm bảo an ninh cho Nga. Trong khi đó, Thủ tướng Johnson bày tỏ quan ngại sâu sắc về "hoạt động thù địch" của Nga ở biên giới Ukraine, ám chỉ việc Moscow triển khai 100.000 binh sĩ tại khu vực này.