70 năm giải phóng Thủ đô

Nga: Phương Tây có thể châm ngòi chiến tranh hạt nhân

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi  - Quan chức cấp cao Nga cảnh báo Moscow có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân để đáp trả hành động gây hấn trực tiếp của các nước NATO liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.

Phái đoàn Nga dự Hội nghị đánh giá Không phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ. Ảnh: Reuters
Phái đoàn Nga dự Hội nghị đánh giá Không phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

Reuters đưa tin, phát biểu tại Hội nghị đánh giá Không phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc ngày 2/8, nhà ngoại giao Nga Alexander Trofimov đã bác bỏ "những suy đoán hoàn toàn vô căn cứ, xa rời thực tế và không thể chấp nhận được rằng, Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, đặc biệt ở Ukraine".

Ông Trofimov, một quan chức cấp cao thuộc Cục kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Bộ Ngoại giao Nga, khẳng định nước này sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga.

"Không có kịch bản giả định nào trong hai kịch bản trên phù hợp với tình hình ở Ukraine", ông Trofimov nhấn mạnh.

Quan chức ngoại giao Nga cũng cáo buộc chiến dịch chống Moscow của NATO có nguy cơ leo thang thành một cuộc đụng độ quân sự quy mô lớn. "Động thái như vậy có thể kích hoạt một trong hai kịch bản khẩn cấp được mô tả trong học thuyết (hạt nhân) của chúng tôi. Chúng tôi rất muốn ngăn chặn điều này, song nếu các nước phương Tây vẫn cố gắng thử thách quyết tâm của chúng tôi, Nga sẽ không lùi bước", ông Trofimov tuyên bố.

Cùng ngày, Nga cáo buộc Mỹ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến Ukraine. 

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, bình luận của Vadym Skibitsky, Phó cục trưởng Cục tình báo quân sự Ukraine, liên quan đến việc Kiev sử dụng hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất. 

Chia sẻ với tờ Telegraph của Anh, ông Skibitsky cho biết,  đã có cuộc tham vấn giữa các quan chức tình báo Mỹ và Ukraine trước khi các cuộc tấn công xảy ra và Washington có quyền phủ quyết hiệu quả đối với các mục tiêu đã định. 

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, cuộc phỏng vấn cho thấy Washington đang vướng vào cuộc xung đột mặc dù nhiều lần khẳng định rằng họ đang hạn chế vai trò đối với nguồn cung cấp vũ khí vì không muốn đối đầu trực diện với Moscow. 

"Tất cả những điều này không thể phủ nhận chứng minh rằng Washington, trái với tuyên bố của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột ở Ukraine," Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố đưa ra ngày 2/8.

"Chính quyền Biden phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho tất cả các cuộc tấn công bằng tên lửa được Kiev phê duyệt vào các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dân sự ở các khu vực đông dân của Donbas và các khu vực khác, dẫn đến cái chết hàng loạt của dân thường".

Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Trong những vũ khí Washington cấp cho Kiev, đáng chú ý là các tổ hợp HIMARS. Ukraine tuyên bố phá hủy hàng chục mục tiêu quân sự của Nga bằng khí tài này trong vòng 1 tháng qua.