Nga rút khỏi Ukraine cũng không cứu nổi châu Âu?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay cả khi xung đột Nga - Ukraine nhanh chóng chấm dứt, châu Âu được dự báo vẫn khó tránh khỏi suy thoái trong mùa Đông sắp tới do cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đang diễn ra.

Thị trường khó trông vào chiến trường

Theo CNN, quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công ngoạn mục trong những ngày gần đây và giành lại một số phần lãnh thổ từ lực lượng Nga, có thể buộc Tổng thống Vladimir Putin phải xem xét lại chiến lược và mục tiêu của mình trong cuộc chiến kéo dài hơn 6 tháng qua. Tuy nhiên, ngay cả khi xung đột tiếp tục có lợi cho Ukraine hoặc thậm chí là nhanh chóng chấm dứt, châu Âu khó có thể tránh được suy thoái trong mùa Đông này.

Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, nhận định: “Tôi không nghĩ rằng Ukraine có khả năng đột ngột đẩy lùi lực lượng Nga, chiến tranh nhanh chóng kết thúc, dòng khí đốt của Nga đến châu Âu được tiếp tục giúp giá cả đi xuống. Điều đó là bất khả thi vào lúc này”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) cùng Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Robert Habeck trong cuộc họp Nội các bàn về các biện pháp sâu rộng để kiềm chế lạm phát. Ảnh: EPA
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) cùng Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Robert Habeck trong cuộc họp Nội các bàn về các biện pháp sâu rộng để kiềm chế lạm phát. Ảnh: EPA

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm gần 50% sau khi đạt kỷ lục mới vào cuối tháng 8. Chỉ riêng trong tuần trước, giá đã giảm 20% khi quân đội Ukraine có dấu hiệu phản công. Nhưng nhìn chung, mức hiện tại vẫn cao hơn khoảng 460% so với 1 năm trước, sau thông báo của Nga về việc nước này sẽ tạm dừng hoạt động của đường ống Nord Stream 1.

Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên từ Nga, mặc dù đã giảm trong năm nay, nhưng đã khiến nước này dễ bị tổn thương do thị trường trải qua những biến động chưa từng có. Theo Kaushal Ramesh - người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt của Rystad Energy, Nga hiện đang cung cấp ít hơn 78% khí đốt cho khu vực so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Do đó, giá đã tăng cao, do người mua châu Âu phải lùng sục khắp thế giới để tìm nguồn cung cấp thay thế. Và chi phí năng lượng tăng vọt đã thay đổi đáng kể triển vọng kinh tế, đẩy hóa đơn hộ gia đình lên cao và buộc mọi người phải thắt lại các khoản chi tiêu khác, đồng thời buộc ngành công nghiệp nặng phải đóng cửa các nhà máy.

Timo Wollmershauser, người đứng đầu dự báo của Viện Ifo (Đức) nói với CNN: “Chúng ta đang tiến vào một cuộc suy thoái mùa Đông”. “Việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga trong mùa Hè và đà tăng giá mạnh mẽ đang tàn phá sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19” - ông Wollmershauser nói - “Chúng tôi không nghĩ tình hình có thể trở lại bình thường trước năm 2024”.

Theo dữ liệu công bố hồi đầu tuần này, chỉ báo ZEW về tâm lý kinh tế được theo dõi chặt chẽ ở Đức đã giảm trở lại vào tháng 9 - một dấu hiệu cho thấy kỳ vọng đối với nền kinh tế ngày càng ảm đạm.

Chủ tịch ZEW Achim Wambach cho biết: “Triển vọng trong 6 tháng tới đã xấu đi hơn nữa. Khả năng thiếu hụt năng lượng vào mùa Đông đã khiến kỳ vọng càng trở nên tiêu cực hơn đối với các bộ phận lớn của ngành công nghiệp Đức”.

Ông nói thêm rằng kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng là một tin xấu. Một cuộc khủng hoảng bất động sản và các hạn chế “zero-Covid” đang diễn ra ở quốc gia châu Á này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Đức.

Ngoài ra, chuyên gia Ramesh của Rystad Energy cảnh báo một số rủi ro lớn khiến áp lực lên giá khí đốt có thể quay trở lại, sau khi có chiều hướng đi xuống trong tuần qua với hy vọng rằng Liên minh châu Âu có thể sớm công bố một sự can thiệp mạnh mẽ vào thị trường.

“Những lo ngại cơ bản về cung và cầu không thay đổi, và thanh khoản trên thị trường thấp hơn có nghĩa là giá có thể dao động lớn theo cả hai hướng” - ông Ramesh nói.

Nỗ lực của châu Âu là chưa đủ?

Châu Âu đã và đang chạy đua để tích trữ các nguồn cung cấp năng lượng để các hộ gia đình và DN có thể tiếp cận nguồn điện, nhiệt cần thiết khi thời tiết trở nên lạnh hơn. Theo CNN, nỗ lực cho đến nay đã đạt được những thành công nhất định, với các cơ sở lưu trữ hiện ở mức 84% công suất, mặc dù với chi phí rất lớn.

Các chính phủ cũng đã tung ra các gói hỗ trợ hào phóng để cố gắng bảo vệ người tiêu dùng và các công ty nhỏ khỏi tác động của giá cả tăng cao. Vương quốc Anh và Đức, cùng với các nước EU khác, đã công bố hơn 500 tỷ euro trợ cấp cho các hóa đơn và các biện pháp can thiệp khác nhằm giảm bớt tác động.

Hành động của chính phủ được kỳ vọng sẽ làm dịu đi cuộc khủng hoảng hiện tại. Chẳng hạn, Anh đã cam kết rằng một hộ gia đình điển hình ở nước này sẽ phải trả không quá 2.500 bảng Anh (khoảng 2.900 USD) cho hóa đơn năng lượng trong 2 năm tới.

Chính phủ London cũng sẽ hỗ trợ chi phí năng lượng các DN, tổ chức từ thiện và các tổ chức khu vực công trong 6 tháng tới và có thể lâu hơn. Đức gần đây đã công bố gói 65 tỷ euro để giúp các hộ gia đình và DN đáp ứng chi phí năng lượng của họ.

Nhưng hầu hết các nhà kinh tế cho rằng, vấn đề năng lượng của châu Âu hiện đã quá lớn, đến mức hàng trăm tỷ USD viện trợ vẫn là không đủ để ngăn chặn tình trạng suy thoái. Cũng chưa rõ, bao nhiêu phần trăm trong các cam kết trên cuối cùng sẽ được thực hiện. Chuyên gia Shearing của Capital Economics nói: “Hỗ trợ tài chính làm giảm mức độ nghiêm trọng của suy thoái, nhưng không ngăn chặn hoàn toàn”.

Khi giá năng lượng cao kéo theo lạm phát, điều này cũng gây thêm áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuần trước, ngân hàng này đã tăng lãi suất cơ bản lên mức chưa từng có, đồng thời cho thấy các dấu hiệu về nhiều đợt tăng lãi suất sẽ diễn ra. Chi phí đi vay tăng sẽ là một lực cản khác đối với nền kinh tế châu Âu. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đang tích cực tăng lãi suất, sau khi đưa ra dự báo vào tháng 8 rằng Vương quốc Anh sẽ bước vào một cuộc suy thoái vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, các lựa chọn của ECB hay BoE đều bị hạn chế do các ngân hàng trung ương cố gắng kiềm chế sự tăng giá. ECB hiện dự kiến lạm phát trung bình 8,1% trong năm nay và 5,5% vào năm 2023. BoE dự đoán lần gần nhất rằng lạm phát ở Anh sẽ đạt đỉnh hơn 13%, mặc dù ước tính đó có thể được điều chỉnh thấp hơn khi hỗ trợ của Chính phủ được triển khai.

Bất kể những nỗ lực nói trên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc suy giảm hoạt động kinh tế trong những tháng tới là không thể tránh khỏi. Theo dữ liệu công bố hồi đầu tuần này, sản lượng ở Vương quốc Anh bị đình trệ trong 3 tháng tính đến tháng 7/2022. Trong khi đó, Viện Ifo của Đức cũng đã cắt giảm ước tính tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Hầu hết các nhà dự báo tin rằng nền kinh tế châu Âu sẽ thu hẹp trong 3 tháng cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023. Và điều gì xảy ra sau đó hiện vẫn còn là ẩn số.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần