Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik hôm 13/4, Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Pankin tuyên bố rằng Nga sẽ tìm giải pháp đối phó nếu bị ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, song Moscow hiện vẫn đang sử dụng hệ thống này. "Nga chưa từ bỏ SWIFT, nhưng nếu bị ngắt kết nối, chúng tôi sẽ sử dụng các hệ thống thanh toán khác", Thứ trưởng Pankin cho hay.
Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết, Nga ủng hộ việc hạn chế sử dụng các hệ thống thanh toán do phương Tây kiểm soát. Ảnh: Tass |
Thứ trưởng Pankin cũng từng tuyên bố khi trả lời phỏng vấn trên Sputnik, Nga không loại trừ việc hình thành một hệ thống trên cơ sở công nghệ mới thay thế cho SWIFT.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn IRNA (Iran) hôm 12/4, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết, Nga ủng hộ việc từ bỏ dần đồng USD trong giao dịch với đối tác, cũng như hạn chế sử dụng các hệ thống thanh toán do phương Tây kiểm soát.
Theo ông Lavrov, những bước đi này nhằm giảm thiểu rủi ro do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây gây ra, đồng thời giảm chi phí tiềm ẩn cho doanh nghiệp trong nước.
Nhiều hãng truyền thông lớn đưa tin, Nga có thể bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT như một phần của các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn từ phương Tây.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội những người tham gia thị trường chuyển tiền và tiền điện tử Viktor Dostov khẳng định, Nga đủ khả năng đối phó với nguy cơ không được kết nối với các hệ thống thanh toán do phương Tây kiểm soát.
“Việc bị ngắt kết nối với các hệ thống thanh toán do phương Tây kiểm soát có thể gây ra một số ảnh hưởng, song Moscow sẽ đối phó với các lệnh trừng phạt như vậy bằng cách chuyển sang sử dụng hoàn toàn hệ thống thanh toán quốc gia Mir”, hãng tin Tass dẫn phát biểu của ông Dostov.
Tuy nhiên, chuyên gia Dostov lưu ý rằng việc sử dụng hệ thống thanh toán Mir ở nước ngoài có thể sẽ bị hạn chế.