Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Bắc Cực

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắc Cực đang thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc thế giới, trong đó có Nga, nhờ vị thế chiến lược quan trọng cũng như nguồn tài nguyên phong phú.

Việc tàu phá băng chiến đấu mới Ivan Papanin của Nga đã bước vào giai đoạn thử nghiệm, cho thấy nước này đang dồn trọng tâm vào Bắc Cực trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc chiến tranh Lạnh mới sắp nổ ra.

Trong tháng này, The War Zone cho biết tàu phá băng của Moscow được thiết kế để vừa có thể di chuyển qua băng vừa phục vụ mục đích chiến đấu do có trang bị tên lửa hành trình.

Tàu phá băng chiến đấu mới Ivan Papanin của Nga. Ảnh: Asia Times
Tàu phá băng chiến đấu mới Ivan Papanin của Nga. Ảnh: Asia Times

Con tàu được đóng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty ở St Petersburg. Dự kiến ​​sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2023, tuy nhiên xung đột tại Ukraine đã làm gián đoạn việc triển khai.

Vũ khí của Ivan Papanin bao gồm một súng AK-176MA 76mm và tên lửa hành trình đối đất Klub, giúp gia tăng đáng kể khả năng chiến đấu.

Bên cạnh đó, Nga đang phát triển một hạm đội tàu thuyền có thể hoạt động tại Bắc Cực với khoảng 40 tàu phá băng và các tàu có khả năng hoạt động trên băng, cùng với đó là lớp tàu Project 23550 được thiết kế để chiến đấu và xuyên qua lớp băng dày tới 5,5 feet (1.684 mét).

Việc Nga đưa tàu Ivan Papanin vào hạm đội tàu phá băng cho thấy nước này đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực, do những lợi ích đáng kể về kinh tế, tầm quan trọng về an ninh cũng như các mối quan tâm khác.

Vào tháng 3/2020, Heather Conley cho biết sự hiện diện quân sự của Nga ở Bắc Cực nhằm mục đích củng cố tuyến phòng thủ quan trọng trước nguy cơ một cuộc tấn công bên ngoài ập đến. Ngoài ra khu vực này cũng thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, đảm bảo triển vọng kinh tế của Nga và tạo nền tảng cho việc triển khai sức mạnh ở Bắc Đại Tây Dương.

Ông Conley cho rằng Moscow đang dành sự quan tâm cho Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) dài 5.600 km kéo dài từ eo biển Bering đến biển Kara do vị trí chiến lược quan trọng. Bên cạnh đó, theo Viện Hải quân Mỹ (USNI), Bắc Cực nắm giữ 13% trữ lượng dầu và 30% lượng khí đốt tự nhiên chưa được khám phá của thế giới cũng như các khoáng sản có giá trị như palladium, coban và niken – những nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Do có nguồn tài nguyên dồi dào, Bắc Cực dễ dàng thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc trên thế giới. Ngoài Nga, Trung Quốc, Canada, Mỹ và các nước Scandinavi có sự hiện diện đáng kể ở khu vực này.

USNI cho biết Nga đang dành sự quan tâm đặc biệt cho tuyến NSR, trao việc kiểm soát tuyến đường này cho cơ quan năng lượng hạt nhân Rosatom, và hạn chế việc di chuyển của các tàu chiến của quốc gia khác.

Bên cạnh đó, Nga đã bố trí các tên lửa hành trình tầm xa có thể tấn công các mục tiêu của Canada và Mỹ, các máy bay ném bom, và một tàu ngầm mang tên lửa hành trình trên bờ biển Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Nga đang ưu tiên mở rộng và hiện đại hóa Hạm đội phương Bắc, nhằm củng cố sức mạnh tại Bắc Cực.  Phương Tây cho biết hạm đội này đóng vai trò then chốt trong việc răn đe hạt nhân, đảm bảo lợi ích kinh tế và bảo vệ tài nguyên của Nga. Ngoài ra, việc nâng cấp khu quân sự tại Bắc Cực vào tháng 1/2021 nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này trong chiến lược phòng thủ quốc gia của Nga.

Các quan chức phương Tây nhân định Nga đã sẵn sàng cho trường hợp xảy ra xung đột tại Bắc Cực, bao gồm một cuộc tấn công tiềm tàng từ nước khác. Họ cho biết  các quân chủng ở Bắc Cực của Nga, đặc biệt là Hạm đội phương Bắc, vẫn duy trì năng lực hạt nhân mạnh mẽ bất chấp chi phí nhân lực cũng như những tổn thất trong cuộc xung đột với Ukraine.