Nga tổ chức hội nghị quốc tế lần 2 về an ninh, hợp tác ở Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đại biểu dự Hội nghị lần thứ nhất, tháng 10/2013. (Ảnh: Viện Nghiên cứu phương Đông cung cấp)

Theo thông báo của Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, ngày 18/6, Hội nghị quốc tế lần thứ hai về an ninh và hợp tác ở Biển Đông với tên gọi “Các vấn đề cấp bách và giải quyết xung đột ở Biển Đông" sẽ diễn ra tại Moskva.

 
Các đại biểu dự Hội nghị lần thứ nhất, tháng 10/2013. (Ảnh: Viện Nghiên cứu phương Đông cung cấp)
Kinhtedothi - Các đại biểu dự Hội nghị lần thứ nhất, tháng 10/2013. (Ảnh: Viện Nghiên cứu phương Đông cung cấp)
Viện Nghiên cứu Phương Đông - đơn vị chức hội nghị, cho biết Hội nghị quốc tế lần thứ hai về an ninh và hợp tác ở Biển Đông được tổ chức là do cuộc xung đột ở Biển Đông tiếp tục trở thành một trong những điểm nóng căng thẳng ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Các quốc gia liên quan trong một thời gian khá dài đã tiến hành nhiều hình thức đàm phán song chưa thể tìm ra giải pháp và thỏa hiệp chấp nhận được đối với tất cả các bên.

Trong bối cảnh như vậy, việc tổ chức một diễn đàn khoa học để giới chuyên gia từ các nước nằm ngoài khu vực tranh chấp đưa ra ý kiến đánh giá, phân tích và khuyến nghị đối với các bên tham gia xung đột là yêu cầu cấp thiết và rất có giá trị.

Đơn vị tổ chức nhấn mạnh kinh nghiệm tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về an ninh và hợp tác ở Biển Đông hồi tháng 10/2013 đã cho thấy các ý kiến và khuyến nghị thu được qua hội nghị đã được các bên xung đột quan tâm và tham khảo trong việc tìm kiếm giải pháp giải quyết các vấn đề như đánh bắt thủy sản, phân định lãnh thổ lãnh hải, tự do hàng hải, thăm dò và khai thác dầu, khí… Đây chính là lý do khiến lãnh đạo Viện Nghiên cứu phương Đông quyết định tổ chức tiếp hội nghị lần thứ hai này.

Tham dự hội nghị sắp tới có các chuyên gia uy tín đến từ Liên minh châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore và một số quan chức, học giả Nga. Các học giả và chuyên gia nghiên cứu luật biển quốc tế sẽ tập trung thảo luận những diễn biến mới nhất ở Biển Đông thời gian gần đây và đánh giá xu hướng phát triển tình hình trong thời gian tới, đồng thời đưa ra khuyến nghị làm giảm căng thẳng và biện pháp giải quyết các xung đột hiện nay.

Hội nghị gồm phiên khai mạc toàn thể và bốn phiên thảo luận chuyên sâu với các nội dung vấn đề ở Biển Đông dưới góc độ địa chính trị hiện đại; tình hình ở Biển Đông và mối đe dọa vũ trang hóa, chạy đua vũ trang ở khu vực; các bình diện pháp lý và chính sách của các cường quốc ngoài khu vực trong cuộc xung đột ở Biển Đông; giải pháp cho các vấn đề hiện tại và triển vọng hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á.

Hội nghị lần này sẽ được nghe báo cáo của các học giả Yan Story, Biên tập tạp chí Contemporary Southeast Asia thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) về hoạt động cải tạo lãnh thổ trái phép của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam; Tướng Daniel Schaeffer, Trung tâm nghiên cứu khoa học Asie 21 (Pháp) về sự thay đổi chính sách của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương; Theresa Fallon, Viện nghiên cứu châu Á (Bỉ) về việc cải tạo đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc và thách thức an ninh ở Biển Đông; Erik Francois, Ủy viên thường trực Tòa án quốc tế tại Hague về lập trường của Trung Quốc đối với Philippines và tòa án quốc tế về luật biển; S. Pradhan, Phó cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ về hậu quả cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông.