Tuyên bố của Tổng thống Trump được cho là nhằm truyền đi thông điệp về khả năng cân nhắc lựa chọn quân sự đối với Triều Tiên.
Ngày 9/10, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng nước này Sergey Lavrov cùng ngày đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ ông Lavrov đã nhấn mạnh rằng căng thẳng leo thang trên báo đảo Triều Tiên là không thể chấp nhận, đồng thời kêu gọi giải quyết các mâu thuẫn giữa các bên liên quan đến những căng thẳng ở khu vực này bằng các biện pháp ngoại giao.
Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Tổng thống Mỹ, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Moscow đã kêu gọi và sẽ tiếp tục kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột và những ai có thể ra quyết định về vấn đề này cần kiềm chế và tránh bất kỳ bước đi nào chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn".
Trong khi đó, tại thủ đô Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên liên quan cuộc xung đột ở Triều Tiên nên kiềm chế, đồng thời mô tả tình hình hiện nay là cực kỳ phức tạp và nghiêm trọng.
Phát ngôn viên Hoa nói rằng Trung Quốc hy vọng tất cả các bên không làm gì để khiêu khích nhau hoặc làm trầm trọng thêm vấn đề, nên phát ngôn và hành động thận trọng.
Phản ứng của Nga và Trung Quốc được đưa ra sau khi ông Donald Trump viết trên Twitter rằng: "Nước Mỹ đã không thành công trong việc đối phó với Triều Tiên trong 25 năm qua, chi hàng tỉ USD và không đạt được gì. Chính sách không hiệu quả".
Phát biểu của ông Donald Trump về "giải pháp duy nhất" với Triều Tiên dường như đề cập đến hành động quân sự.
Hồi tuần trước, ông Trump cho rằng việc đàm phán với Triều Tiên là lãng phí thời gian, một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington vẫn duy trì liên lạc với Bình Nhưỡng.