Trung Quốc và Nga sẽ ký Chương trình hợp tác không gian cho giai đoạn 2023-2027 vào năm tới, hướng tới thiết lập Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) mở và toàn diện vào năm 2035, cơ quan vũ trụ quốc gia Nga Roscosmos chia sẻ với Global Times.
Chương trình mới cũng sẽ bao gồm các kế hoạch hỗ trợ phát triển mảng mặt đất của hệ thống vệ tinh quốc gia hai nước, GLONASS của Nga và Hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu (BeiDou) của Trung Quốc (BDS) sẽ được lắp đặt vào năm tới, cũng như một loạt các dự án khác của Roscosmos và Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA).
Theo Global Times, đây là dự án hợp tác lớn nhất hiện nay giữa hai "đối tác lâu năm và đáng tin cậy" trong lĩnh vực không gian. Theo đó, trạm của ILRS sẽ được thiết lập vào năm 2035 trên bề mặt Mặt Trăng, bên cạnh các cơ sở thí nghiệm và nghiên cứu khác.
Roscosmos tiết lộ với Thời báo Hoàn cầu rằng ILRS sẽ bao gồm một hệ thống bay từ Trái đất đến Mặt trăng, hệ thống hoạt động lâu dài bổ trợ trên bề mặt Mặt trăng, hệ thống du hành trên bề mặt Mặt trăng và các cơ sở tự động với một khu phức hợp các công cụ khoa học.
Phạm vi hợp tác giữa Bắc Kinh và Moscow trong dự án sẽ bao gồm phát triển và phối hợp chiến lược liên quan đến thăm dò và nghiên cứu Mặt Trăng, xác định các lĩnh vực hợp tác và lập kế hoạch, đồng thời hợp tác khởi động các bộ phận cấu thành của ILRS, vận hành chung, kiểm soát, hỗ trợ trạm mặt đất…
Theo giới quan sát, không gian vũ trụ giờ đã trở thành đấu trường mới giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh hai bên đang tăng cường sự cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực như công nghệ, thương mại, quân sự, nhằm giành vị thế dẫn đầu.
Trung Quốc bắt đầu thực hiện chương trình khám phá không gian vào cuối những năm 1950, nhưng phải đến thời gian gần đây, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này mới đạt được những thành công lớn. Trong một diễn biến liên quan, vào tháng 6/2020, Trung Quốc đã hoàn thành hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu (Beidou) - đối thủ của hệ thống định vị GPS do Mỹ phát triển. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là bên chiếm ưu thế trong cuộc đua này.