Nga, Trung Quốc nói gì về liên minh an ninh AUKUS Mỹ-Anh-Australia?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Moscow mong muốn Canberra tuân thủ các nghĩa vụ với tư cách là quốc gia không có vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích AUKUS sau khi Mỹ-Anh-Australia công bố thỏa thuận trên.

Ngày 16/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, nước này hy vọng Australia - một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, sẽ tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ của mình.
Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo hiệp định an ninh ba bên mới AUKUS trong cuộc họp trực tuyến cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP
"Chúng tôi quan tâm đến các kế hoạch phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Canberra theo sáng kiến ​​an ninh ba bên mới giữa Mỹ, Australia và Anh (AUKUS). Chúng tôi hy vọng rằng Australia với tư cách là thành viên của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, sẽ tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)”.
Bà Zakharova lưu ý thêm rằng Moscow hy vọng rằng Canberra sẽ đảm bảo sự hợp tác cần thiết với cơ quan IAEA để loại trừ mọi rủi ro không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trước đó cùng ngày, Mỹ, Anh, Australia đã công bố hiệp định an ninh ba bên mới (AUKUS) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.
Trong tuyên bố chung vừa được công bố, Canberra sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân mà sử dụng hệ thống đẩy hạt nhân cho các tàu, để đề phòng các mối đe dọa trong tương lai. Thủ tướng Australia Morrison cho biết, các tàu ngầm hạt nhân này sẽ được đóng tại bang Adelaide với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp ứng tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân” - Thủ tướng Morrison nêu rõ.
Theo thỏa thuận AUKUS, Canberra lên kế hoạch đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân, trong đó chiếc tàu đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2036 và tái trang bị cho các lực lượng vũ trang của nước này bằng tên lửa hành trình sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh.
Động thái này dẫn tới việc Australia đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận quốc phòng lớn nhất trong lịch sử với Pháp. Quyết định này đã được gọi là "một cú đâm sau lưng" với Paris. Theo Reuters, vào năm 2016, Australia đã ký hợp đồng về việc mua 12 tàu ngầm tối tân với một tập đoàn đóng tàu của Pháp trị giá gần 40 tỷ USD.
Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích AUKUS sau khi Mỹ-Anh-Australia công bố thỏa thuận trên. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã phản đối quyết định trên khi nói rằng các nước "không nên xây dựng các liên minh nhắm mục tiêu hoặc gây tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba." "Đặc biệt, họ nên rũ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến ​​ý thức hệ", tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nêu rõ.
Mới đây nhất, ngày 16/9, Trưởng Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ở Vienna (Áo) Vương Quân cho rằng, động thái ba bên này "hoàn toàn là một hành động phổ biến vũ khí hạt nhân".
Trong khi đó, Nhà Trắng bảo vệ quyết định cung cấp cho Australia công nghệ tiên tiến dành cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định, nước này coi trọng quan hệ đối tác với Pháp, nhấn mạnh rằng, Washington không cho rằng quan hệ đối tác với Canberra và London là một sự chia rẽ khu vực. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ tiếp tục xem xét tiếp tục hỗ trợ Australia huấn luyện các lực lượng mặt đất nhiều và nâng cao hiệu quả hoạt động hậu cần quân sự.
Bên cạnh đó, bà Paski cho biết, thỏa thuận AUKUS không nhằm vào Trung Quốc, mặc dù Mỹ ngày một quan ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.  "Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc", bà Psaki khẳng định./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần