"Nga và Ukraine đều nhất trí việc Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian xoa dịu cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa hai nước”, một trong những nguồn tin ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ với hãng tin Reuters hôm 20/1.
Theo nguồn tin này, mặc dù Nga và Ukraine chưa ấn định thời điểm tổ chức cuộc họp tại Istanbul, song đại diện của hai nước cũng như tại Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) chắc chắn sẽ tham dự.
Hãng tin RT của Nga hôm 20/1 đưa tin người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga hoan nghênh nỗ lực của Ankara nếu Thổ Nhĩ Kỳ có thể buộc Kiev tuân thủ Thỏa thuận Minsk. Thỏa thuận Minsk được ký năm 2014 nhằm giảm căng thẳng ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Trong khi đó, phía Ukraine cũng hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian để thiết lập cuộc hội đàm với Nga nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước.
Theo RT, trong bối cảnh các nước phương Tây lo ngại Nga sẽ tấn công Ukraine, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mời lãnh đạo hai nước tới nước này để tìm cách giải quyết bất đồng theo con đường ngoại giao.
Ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Erdogan, thông báo về đề xuất này ngày 19/1, đồng thời nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ muốn hỗ trợ các bên xoa dịu căng thẳng hiện nay. “Tổng thống Erdogan đã mời cả hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine tới Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức cuộc gặp nhằm giải quyết bất đồng giữa hai bên. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng vai trò trung gian trong việc giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine”, ông Kalin khẳng định.
“Song song với đó, chúng tôi cũng sẽ liên lạc chặt chẽ với Nga để tránh các hành động quân sự có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng”, người phát ngôn Kalin cho biết thêm. Tổng thống Erdogan sẽ có chuyến thăm tới Kiev trong những tuần tới.
Trước đó, hồi tháng 11/2021, chính quyền Ankara tuyên bố sẵn sàng trở thành trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, lời đề nghị mà Moscow đã bác bỏ vào thời điểm đó.
Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ tốt với cả Kyiv và Moscow, song phản đối các chính sách của Nga ở Syria và Libya, cũng như việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Trước đó, hồi tháng 11/2021, tình báo Mỹ và Ukraine cảnh báo Nga đang lên kế hoạch tấn công nước láng giềng, dù Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ. Trong khi đó, Moscow đã kêu gọi sự đảm bảo bằng văn bản rằng liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu sẽ không mở rộng về phía Đông, không kết nạp Ukraine và Gruzia - 2 nước có chung đường biên giới với Nga.
Ngày 19/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Kiev để thảo luận tình hình hiện nay với giới chức Ukraine. Dự kiến, Bộ trưởng Blinken sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 21/1 để thảo luận về vấn đề Ukraine.