Ngắm cổ vật hoàng cung, tìm hiểu văn hoá cung đình Huế

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồ Ngự dụng, đồ quan dụng dòng Tứ trụ triều đình, đồ vàng bạc, tranh thêu cung đình như Long bào, mãng bào, phượng bào... đang được trưng bày trong triển lãm “Cổ vật hoàng cung Việt Nam”.

Trưng bày hơn 200 cổ vật

Ngày 26 và 27/3, các nhà sưu tập trong Hội Sưu tập cổ vật cung đình Huế đã tổ chức khai mạc triển lãm “Cổ vật hoàng cung Việt Nam” tại Cung văn hóa Hữu nghị (91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Hơn 200 cổ vật của 19 nhà sưu tập đã được trưng bày.

Du khách tham quan triển lãm.
Du khách tham quan triển lãm.

Triển lãm Cổ vật cung đình Huế trưng bày hơn 200 hiện vật, trong đó phần lớn là đồ gốm sứ ký kiểu có niên đại từ triều Nguyễn trải qua các đời vua từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Bảo Đại… như đồ Ngự dụng, đồ quan dụng dòng tứ trụ triều đình, đồ vàng bạc, ngà voi dùng trong hoàng cung… các cổ vật này được những người tâm huyết, đam mê và yêu mến cổ vật cung đình Huế sưu tầm trong suốt thời gian dài.

Trong số này, nhà sưu tập Nguyễn Thanh Ngọc (Hà Nội) là người góp nhiều cổ vật nhất, với 35 hiện vật. Hà Nội cũng là địa phương có nhiều nhà sưu tập tham gia nhất (8 người), tiếp theo là Hải Phòng (4) và Hải Dương (2).

Tác phẩm Long Mã cưới Bát quái.
Tác phẩm Long Mã cưới Bát quái.

Tại triển lãm bức tranh thêu độc sắc (chỉ vàng kim tuyến) có tên “Cửu long” được nhiều người chọn để chụp ảnh lưu niệm cùng. Tranh do nghệ nhân cung đình Huế thêu, có niên đại đầu thế kỷ 20 dưới thời Bảo Đại. Triển lãm cũng có những tranh thêu quý khác như tranh thêu ngũ sắc “Long mã cõng bát quái” cưỡi mây, được thêu bằng chỉ ngũ sắc và chỉ vàng kim tuyến.

Bên cạnh đó, triển lãm còn có nhiều trang phục được trưng bày tại triển lãm. Trong đó, có 2 chiếc áo nổi bật. Đó là một chiếc “Mãng lan”, áo mặc của tòng chánh nhất phẩm (quan võ), được mặc dự lễ ngoài trời khi duyệt binh hoặc tịch điền, triều vua Khải Định. Chiếc còn lại là áo “Nhật Bình” của công chúa Mỵ Nương, thường được gọi là Bà chúa nhất. Bà là trưởng nữ của vua Thành Thái. Các hiện vật gốm sứ tại triển lãm Cổ vật hoàng cung Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của người xem. Trong số này, có nhiều đồ sứ pháp lam, do vương triều Việt Nam thời Nguyễn đặt hàng tại Cảnh Đức trấn (Trung Quốc).

Thêm hiểu văn hoá cung đình Huế

Theo Ban tổ chức, Huế là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị  từ lao động, sáng tạo và văn hóa của cộng đồng dân cư sinh sống bao đời như: Làng điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, Hoa giấy Thanh Tiên, Tranh dân gian Làng Sình, tranh thêu cố đô, đan lát Bao La, dệt Zèng A Lưới…. và nhiều địa chỉ văn hoá khác. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

Cổ vật cung đình Huế là những di sản văn hoá mang đậm giá trị truyền thống, mang nhiều hồn cốt tinh hoa văn hoá dân tộc. Thời gian qua, các nhà sưu tầm đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết, công sức để tìm kiếm, sưu tầm, phục dựng… các cổ vật này. Triển lãm “Cổ vật cung đình Huế” được tổ chức nhằm giới thiệu tới công chúng, người yêu cổ ngoạn, cổ phục các cổ vật được nhiều thành viên trong Hội các nhà sưu tập cổ vật cung đình Huế dày công sưu tầm nhiều năm qua.

Các hiện vật trưng bày tại triển lãm sẽ giúp công chúng có được một góc nhìn toàn diện, khách quan về những giá trị văn hóa nghệ thuật của cung đình Huế, đồng thời cũng là một trải nghiệm vô cùng thú vị về đời sống văn hóa tinh thần đa dạng, phong phú nhưng cũng rất tao nhã của mọi tầng lớp nhân dân dưới các triều nhà Nguyễn được thể hiện trên từng hiện vật.

Theo nhà sưu tập Thanh Ngọc – Đại diện BTC: “Với tình yêu và niềm đam mê đối với các cổ vật cung đình Huế, chúng tôi - những nhà sưu tầm cổ vật đã giành rất nhiều thời gian, tâm huyết trong việc tìm kiếm, sưu tầm, phục dựng…những cổ vật cung đình Huế từ khắp mọi miền Tổ quốc”.

BTC hy vọng cuộc triển lãm này sẽ đóng góp một phần nhỏ để lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam đã truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần khơi lại mạch nguồn của nền văn hoá dân tộc. Qua đó cũng là dịp để lan toả những giá trị nhân văn, tinh hoa văn hoá dân tộc được thể hiện trên những cổ vật đến với đông đảo công chúng, đến với thế hệ trẻ hôm nay.