Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn chặn đổ trộm chất thải bằng công nghệ

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Vấn nạn đổ trộm chất thải đang diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để ngăn chặn song đều chưa thật sự hiệu quả. Giải pháp dùng công nghệ hiện đại được kỳ vọng sẽ mang đến lời giải cho bài toán khó này.

Quây tôn là giải pháp ngăn nạn đổ trộm chất thải không thật sự hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Quý
Quây tôn là giải pháp ngăn nạn đổ trộm chất thải không thật sự hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Quý

Đau đầu với nạn đổ trộm chất thải

Một buổi chiều cuối tháng 5/2024, con đường mòn dẫn ra khu đồng Ang, thôn Thanh Quang, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội ngổn ngang như bãi chiến trường. Từng đống chất thải lớn, bị đổ bừa bãi ngay bên đường khiến lối đi vốn đã nhỏ lại càng bị thu hẹp. Một số bãi thải xây dựng, bùn đất còn bị đổ tràn xuống cả ao bên cạnh, vùi lấp một phần diện tích không nhỏ của ao. Bên ngoài, những túi nilon đựng rác thải sinh hoạt bị rách tả tơi khiến rác bên trong tràn ra ngoài, rất mất vệ sinh. Dưới ánh nắng gay gắt của mùa Hè, số rác thải này nhanh chóng bị phân hủy, bốc mùi hôi nồng nạc.

Bước vội qua khu vực có bãi rác, chị Dương – một người dân sống ở thôn Thanh Quang vừa bịt mũi vừa nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu. Chị bảo, nhà có mảnh ruộng ở khu vực đồng Ang này nên thường xuyên phải qua lại nơi đây. Tuy nhiên, từ ngày bãi rác tự phát này xuất hiện, mỗi lần thăm đồng của chị là cực hình. Theo chị Dương, bãi rác tự phát này đã tồn tại từ nhiều năm nay. Người dân địa phương cũng nhiều lần ý kiến với chính quyền đề nghị thu dọn đi, song cứ dọn được một thời gian ngắn là bãi rác lại đầy như cũ. “Trước đây, cứ vào mùa Hè, trẻ con trong làng thường ra đây thả diều, vui chơi. Từ ngày cái bãi rác này xuất hiện, gần như không một ai lai vãng nữa” – chị Dương thở dài.

Bãi rác thải tự phát ở thôn Thanh Quang, xã An Thượng chỉ là một trong vô vàn các bãi rác tự phát khác đang tồn tại trên địa bàn TP Hà Nội. Thậm chí, nhiều nơi chất thải còn bị đổ trộm xuống sông, hồ, đồng ruộng. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn hủy hoại tài nguyên, phá vỡ quy hoạch. Để đối phó với nạn đổ trộm chất thải, rất nhiều các giải pháp đã được áp dụng song hiệu quả mang lại không được như mong đợi. Một trong những nguyên nhân chính khiến “cuộc chiến” với nạn đổ trộm chất thải mãi chưa có hồi kết là thiếu các giải pháp giám sát hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng Nguyễn Văn Thịnh cho biết, để xử lý bãi rác tự phát trên địa bàn, xã thường xuyên đề nghị công ty môi trường tiến hành dọn dẹp, chở rác đi nơi khác song đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi cứ dọn xong lại xuất hiện rác mới. “Nhiều người dân ý thức còn kém, họ đi qua cứ tiện tay là vứt rác mặc dù xã cũng đã phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở. Xã giao lực lượng công an tuần tra, giám sát và xử lý nhưng việc đổ trộm phế thải vẫn tái diễn” – ông Thịnh chia sẻ.

Trợ thủ đắc lực từ công nghệ hiện đại

Một trong những giải pháp đối phó với vấn nạn đổ trộm chất thải mà nhiều địa phương đang áp dụng là rào chắn bằng barie hoặc quây tôn kín để ngăn chặn các phương tiện ra vào đổ trộm chất thải. Tuy nhiên, cách làm này tốn kém cũng như có hạn chế nhất định. Ví dụ điển hình nhất là tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Để đối phó với nạn đổ trộm chất thải ở hồ Song, ban đầu phường Đại Mỗ tổ chức đào hào và rào chắn bằng barie.

Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, nạn đổ trộm lại tái diễn. Thậm chí, hàng rào barie của chính quyền địa phương còn bị các đối tượng kéo hẳn ra một bên để cho xe ra vào. Còn đối với giải pháp quây tôn, Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng Nguyễn Văn Thịnh cho biết, địa phương từng tính đến giải pháp này để ngăn chặn nạn đổ thải, song vẫn đang cân nhắc vì những hạn chế cố hữu. “Cách làm này tốn kém mà cũng không thật sự hiệu quả, bởi có thể ngăn chặn được chỗ này nhưng lại phát sinh chỗ khác” – ông Thịnh nhận định.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, để ngăn chặn vấn nạn đổ trộm chất thải đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân vẫn là một trong những giải pháp bền vững, cần duy trì liên tục. Ngoài ra, với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời gian gần đây, việc sử dụng công nghệ hiện đại như lắp camera, sử dụng phần mềm GIS hay sử dụng flycam làm công cụ hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện hành vi đổ trộm thải cũng là giải pháp hứa hẹn sẽ hiệu quả.

“Hiện nay, các thiết bị công nghệ như camera rất phổ biến, giá cũng hợp lý hơn trước rất nhiều. Có thể lắp đặt camera tại những khu vực có nguy cơ bị đổ trộm thải cao để giám sát” – TS Hoàng Dương Tùng nói và cho rằng, việc sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại vừa giúp tăng cường khả năng giám sát, quản lý vừa giúp lực lượng chức năng tiết kiệm được công sức, thời gian trong khi hiệu quả phát hiện, ngăn chặn hành vi đổ trộm thải vẫn được phát huy.

Trên thực tế, việc áp dụng công nghệ để ngăn chặn vấn nạn đổ trộm chất thải đã được nhiều địa phương trên cả nước áp dụng và đã mang lại hiệu quả tốt. Đơn cử như tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, địa phương này đã sử dụng các thiết bị công nghệ giám sát như camera, flycam để kiểm tra và ghi nhận các điểm rác phát sinh tại khu vực dự án có diện tích đất trống lớn.

Ngoài ra, địa phương này còn xây dựng phần mềm GIS để cập nhật thường xuyên, liên tục các điểm rác phát sinh trên địa bàn. Với phần mềm này, khi phát hiện hành vi đổ rác, người dân có thể gửi phản ánh thông qua ứng dụng. Dữ liệu sẽ được gửi về UBND phường và đơn vị thu gom rác tại địa phương để giải quyết, xử phạt theo quy định.