Song theo nhiều chuyên gia tại hội thảo “Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của DN” tổ chức ngày 25/5, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ngày càng nhiều khó khăn Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết: Hiện có đến 31 ngành hàng bị làm giả. Thậm chí hàng giả được bày bán công khai tại các trung tâm thương mại, chợ biên giới. Và ngay cả tem chống hàng giả, vốn là công cụ giúp DN bảo vệ thương hiệu, cũng đang bị làm giả. Qua thống kê, hiện có tới 60% tem nhập khẩu rượu ngoại là tem giả, tem quay vòng. Tại nhiều chợ đầu mối, các cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm còn sử dụng con dấu giả để đóng dấu kiểm dịch thú y, khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi phân biệt.
Thống kê cũng cho thấy, 70% hàng giả do nước ngoài sản xuất tràn vào Việt Nam được nhập khẩu dưới dạng linh kiện sản xuất khiến cho các cơ quan chức năng khó phát hiện. Có những DN cung cấp tới 90% hàng giả nhập khẩu mà sản phẩm giống đến mức chỉ những DN sản xuất ra hàng hóa đó mới phân biệt được. Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục QLTT - Bộ Công Thương cho biết: Phương thức sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh, sau đó chuyển tới nơi khác để lắp ráp, đóng gói và chỉ gắn nhãn mác giả mạo khi có khách hàng đặt mua chứ không cất trữ chờ tiêu thụ... Đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, trà trộn trong các khu dân cư, các làng nghề, vùng nông thôn... nên rất khó phát hiện.
Còn né trách nhiệm, DN còn là nạn nhân Một trong những nguyên nhân khiến cho công tác chống hàng giả gặp khó khăn là do DN chưa chủ động trong việc tự bảo vệ quyền của chính mình. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc, vẫn có nhiều DN lo ngại việc tố cáo hàng giả, hàng nhái sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và tiêu thụ sản phẩm nên né tránh việc bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời DN cho rằng, nếu công bố cách nhận biết hàng thật, hàng giả, đối tượng sản xuất hàng giả sẽ biết được đặc điểm hàng thật để tiếp tục sản xuất hàng giả. Một trong những giải pháp được DN chia sẻ đó là đẩy mạnh đầu tư thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, cải tiến mẫu mã bao bì. Ông Võ Văn Phú - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết: Để ngăn chặn tình trạng này, DN đã nhập khẩu hệ thống may, đóng gói bao bì tự động nên những DN nhỏ, thiếu đầu tư đồng bộ sẽ không thể làm giả. Đặc biệt, hệ thống này còn in thương hiệu bao bì, qua đó giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật - hàng giả, đồng thời giúp DN quảng bá sản phẩm. "DN cần phải đầu tư bài bản và phải đặt mình vào địa vị người tiêu dùng, qua đó cung cấp thông tin nhiều hơn cho các cơ quan chức năng giúp ngăn ngừa hoạt động kinh doanh trái phép" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý DN.
Quản lý thị trường Hà Nội hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt hàng thật - giả tại hội chợ hàng Việt. Ảnh: Hoài Nam |
Nếu chỉ một mình lực lượng chức năng chống hàng giả là chưa đủ mà cần có sự đồng hành của chính bản thân DN. Đó là, DN cần đẩy mạnh truyền thông tới người tiêu dùng, lực lượng chức năng cách thức nhận biết hàng thật, nếu cứ chỉ nói chung chung thì người tiêu dùng rất khó phân biệt. Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương |