Đây là nhận định của các đại biểu tham dự hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại” do Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 14/11.
Nhiều nhóm hàng bị gian lận xuất xứ
Thông tin của USAID từ năm 2000 đến nay, cơ quan này đã phát hiện một loạt sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc mượn danh Việt Nam để xuất khẩu sang EU, Mỹ. Các vụ việc được phát hiện qua điều tra chống bán phá giá chính thức, như xe đạp vào năm 2000, giày mũ da 2008, bật lửa 2004, kẽm ô xít 2003…
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 9/2019, đã có 154 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng SEVEN.am tại 135 Trần Phú, Hà Đông sáng 11/11. Ảnh: Hoài Nam |
Theo Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại Claudio Dordi, việc núp bóng xuất xứ hàng hóa không phải là một hiện tượng mới đối với thương mại Việt Nam. Nếu không có sự kiểm soát hiệu quả, Việt Nam tiếp tục bị các nước nhập khẩu khởi xướng các cuộc điều tra với hàng hóa xuất khẩu và hệ lụy thu hẹp thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trực tiếp của các DN và cả ngành hàng xuất khẩu.
Đồng tình với cảnh báo này, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn, cũng đã chỉ ra những nhóm hàng có nguy cơ gian lận cao nguồn gốc xuất xứ tại thời điểm này gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; gỗ, sắt thép…
Đồng thời chỉ rõ, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thường sử dụng thủ đoạn ghi nhãn hàng hóa Made in Vietnam tại nước ngoài trước khi nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam để tiêu thụ nên đây còn được coi là hàng lậu. Hoặc DN bao gồm cả DN FDI nhập khẩu một số cụm linh kiện, bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho DN khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định, sau đó ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu. Một thủ đoạn khác là nhập sản phẩm không ghi xuất xứ trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu, chỉ khi đưa vào lưu thông mới bổ sung nhãn phụ Made in Vietnam.
Việt Nam không thờ ơ
Nhận thức được các nguy cơ và rủi ro khi hàng ngoại giả mạo xuất xứ Việt Nam, thời gian qua Việt Nam đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, để ngăn chặn hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam XK sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động số 1662/QĐ-BTC nhằm thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp quản lý nhà nước về chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thực tế, trong thời gian qua, Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan đã có những giải pháp ngăn chặn tình trạng này thông qua việc sửa đổi các văn bản pháp quy liên quan đến xuất xứ hàng hóa như Thông tư số 38/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC; sửa Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi bổ sung Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh lực hải quan theo hướng nâng cao chế tài xử phạt các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa.
Việc các lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và cơ quan quản lý liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo cho thấy, Việt Nam cương quyết ngăn chặn tình trạng hàng ngoại giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại Claudio Dordi Những hệ lụy với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn nếu tình trạng mượn xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp bị các quốc gia nhập khẩu, điển hình là Mỹ phát hiện. Cụ thể, làm tăng rủi ro cho DN và sản phẩm tuân thủ của Việt Nam sẽ bị chậm trễ khi làm thủ tục xuất khẩu tại Mỹ, tăng nguy cơ bị áp thuế cao hơn với hàng hóa xuất khẩu, kể cả của những DN tuân thủ tốt về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. |