Vì sao tôm hùm đất nguy hại?Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm càng đỏ) có tên khoa học là Cherax quadricarinatus. Đây là một trong số những loài sinh vật ngoại lai nguy hại có trong danh mục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT của Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT.
Theo Điều 246 Bộ luật Hình sự 2015, người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức, vật phạm pháp trị giá trên 500 triệu đồng thì có thể bị phạt tù đến 7 năm. |
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết, tôm hùm đất sinh sản rất nhanh, có thể thích nghi với sự thay đổi của điều kiện sống. Chúng ăn tất cả các loại thủy sinh cạnh tranh, bao gồm cả tôm, cá. Đồng thời, cạnh tranh nguồn thức ăn với nhiều sinh vật bản địa, nhất là các loài tôm, cá đặc trưng của Việt Nam. Từ đó, có thể dẫn tới nguy cơ suy giảm các loài hữu ích.
Thực tế vào năm 2008, tôm hùm đất đã được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Quang Huy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau quá trình đánh giá, đơn vị đã khuyến nghị các bộ, ngành không nhân giống, phát triển tôm hùm đất. Đến năm 2013, tôm hùm đất bị liên bộ NN&PTNT, TN&MT liệt vào danh mục các loài sinh vật ngoại lai nguy hại. Các hoạt động nhập khẩu, buôn bán, kinh doanh loài sinh vật này đều vi phạm quy định tại Điều 7 của Luật Đa dạng sinh học 2008.
Bên cạnh khả năng gây hại đến môi sinh, giá trị kinh tế của loài tôm hùm đất cũng được đánh giá là không cao so với các loài tôm khác. “Tỷ lệ thịt ở tôm hùm đất chỉ chiếm khoảng 20% trọng lượng” – PGS.TS Nguyễn Quang Huy thông tin thêm.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức Với thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm rất lớn, Hà Nội là một trong những địa phương có khả năng cao xuất hiện tôm hùm đất. Chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát việc nuôi trồng, buôn bán, kinh doanh loài sinh vật này đang được TP siết chặt. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết, kết quả giám sát những ngày qua chưa phát hiện bất cứ quận, huyện, thị xã, hay tổ chức, cá nhân nào nhập khẩu, nuôi trồng loài tôm hùm đất này. “Hiện, đơn vị đang tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền về tác hại, cách tiêu diệt các loài sinh vật ngoại lai, trong đó có tôm hùm đất đến người dân” – ông Sơn cho biết.
Trước nguy cơ gây hại của tôm hùm đất, vừa qua Bộ NN&PTNT đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các tỉnh, TP, Tổng cục Hải quan, Quản lý thị trường... tăng cường kiểm tra, ngăn chặn sự lây lan của loài này. Ngày 20/5, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 1537/SNN-CCTS về việc cấm sản xuất, kinh doanh các loài sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn TP.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, thời gian tới, UBND các quận, huyện, thị xã cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, nghiêm cấm việc sản xuất, kinh doanh các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại như tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt, ốc bươu vàng… Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân không nuôi trồng, buôn bán, kinh doanh hay vô tình tiêu thụ.
Cũng liên quan tới giải pháp ngăn chặn, PGS.TS Nguyễn Quang Huy cho biết, trong trường hợp phát hiện tôm hùm đất, các tổ chức, cá nhân cần thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng để có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt triệt để tôm hùm đất theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các địa phương cần phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm nhằm tạo sức răn đe.