Tuy nhiên, về lâu dài, cơ quan quản lý cần tính đến giải pháp liên kết kiểm soát trong truy xuất nguồn gốc nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín hàng xuất khẩu Việt Nam.
Kẽ hở trong quản lý mã số vùng trồng
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), mới đây, Trung Quốc đã có thông báo về 220 lô xoài vi phạm với các nguyên nhân khác nhau, có tổng khối lượng khoảng 3.300 tấn, chiếm gần 0,5% tổng lượng xoài đã xuất khẩu sang quốc gia này trong năm 2019 - 2020. Kết quả khảo sát của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, trong số các vùng trồng và cơ sở đóng gói, tỉnh Đồng Tháp có 2/82 vùng trồng và 1/12 cơ sở đóng gói nằm trong danh sách bị xác định vi phạm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, thời gian qua, việc quản lý mã số vùng trồng tại các địa phương chỉ mới dừng lại ở thống kê ban đầu, còn việc kiểm tra, giám sát các cơ sở đã được cấp mã số theo quy định chưa được thực hiện nghiêm túc. Mặt khác, cơ chế trao đổi thông tin thường kỳ giữa các địa phương và Bộ NN&PTNT cũng chưa hiệu quả. Lợi dụng kẽ hở này, một số DN sử dụng không đúng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, thậm chí mạo danh mã số của cơ sở khác để hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu.
Thực tế hiện nay tại Việt Nam, với một lô hàng trái cây xuất khẩu, sau khi thu hái sẽ được HTX dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử lên bao bì. Đồng thời HTX sẽ liên hệ với Chi cục Bảo vệ thực vật cấp tỉnh, TP để kích hoạt. Trên tem truy xuất nguồn gốc đã được kích hoạt thể hiện đầy đủ thông tin nhà vườn, số lượng thu hái, giờ hái, lượng xuất khẩu, quy cách đóng gói… Người mua có thể kiểm tra vào vùng kích hoạt để biết được các thông tin nêu trên.
Tuy nhiên, việc kết hợp giữa cấp mã vùng trồng với cấp tem truy xuất nguồn gốc điện tử mới chỉ được triển khai thí điểm tại một số địa phương và thị trường khó tính như Mỹ, EU. Trong khi đó, đối với thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của Việt Nam là Trung Quốc, việc thực hiện dán tem truy xuất còn khiêm tốn.
Liên kết truy xuất nguồn gốc
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc mở thị trường đã khó, song việc duy trì, giữ vững và phát triển được ở những thị trường đó lại càng khó hơn nhiều. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các đơn vị được cấp mã số vùng trồng cần có ý thức để bảo vệ mã số của mình như một tài sản. Chính quyền địa phương cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc quản lý mã vùng trồng.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa cho rằng, cần nhân rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó, tất cả thông tin về nhà sản xuất, DN phải được thể hiện đầy đủ trên bao bì của sản phẩm, để trong trường hợp người tiêu dùng phát hiện sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, mới dễ dàng truy xuất ngược trở lại nhà sản xuất.
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam Ngô Thị Thu Hồng, cần có sự liên kết đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, DN, HTX và nông dân để truy xuất nguồn gốc, bảo vệ mã vùng trồng đã được cấp. Như vậy mới giữ được uy tín trái cây nông sản xuất khẩu và gia tăng được sản lượng cũng như giữ được thị phần tại các quốc gia mà Việt Nam đã xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, HTX phối hợp với DN thu mua để có biện pháp mạnh mẽ hơn chống lại DN mạo danh.
"Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, đánh giá và rà soát toàn bộ hiện trạng vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số tại địa phương và gửi kết quả báo cáo chi tiết về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 20/9. Đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động giám sát đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, không để xảy ra tình trạng sử dụng mã số không đúng quy định." - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh |