Ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh trên vật nuôi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin xuất hiện chủng virus cúm gia cầm mới H5N6 tại một số địa phương do Cục Thú...

Kinhtedothi - Thông tin xuất hiện chủng virus cúm gia cầm mới H5N6 tại một số địa phương do Cục Thú y vừa công bố, cộng với dịch lở mồm long móng bùng phát trở lại tại tỉnh Nghệ An đã khiến cho nhiều người chăn nuôi lo lắng. Trước tình hình này, TP Hà Nội đã chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều biện pháp.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) mới đây, qua công tác giám sát đã phát hiện một số trường hợp gia cầm dương tính với virus cúm A/H5N6 trên đàn gà nuôi tại khu vực giáp biên giới Trung Quốc của xã Chi Lăng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn và trên đàn vịt nuôi tại xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay sau khi phát hiện triệu chứng của bệnh cúm gia cầm, các địa phương đã tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực có dịch và vùng phụ cận. Đến nay, trên địa bàn hai tỉnh này không phát hiện thêm đàn gia cầm nào mắc bệnh.

 
Tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại huyện Đông Anh. Ảnh: Quang Thiện
Tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại huyện Đông Anh. Ảnh: Quang Thiện
Theo ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y, virus cúm A/H5N6 là một chủng virus mới, khác với chủng virus cúm A/H5N1. Đây là chủng độc lực rất cao đối với người và gia cầm nhưng chưa có bằng chứng lây lan từ người sang người. Chủng virus cúm gia cầm mới phát hiện ở Hà Tĩnh và Lạng Sơn có tới 99% là giống chủng virus ở Trung Quốc nên rất nguy hiểm. Ông Thành cho biết thêm, hiện trên thế giới chưa có vaccine để phòng, chống virus cúm A/H5N6. Vì vậy, các địa phương phải đề cao việc giám sát, phát hiện và tiêu hủy kịp thời gia cầm mắc bệnh.

Trước đó, cuối tháng 7, dịch lở mồm long móng đã xảy ra tại 25 bản thuộc 6 xã: Lục Dạ, Yên Khê, Cam Lâm, Đôn Phục, Mậu Đức và Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Theo nhận định của Chi cục Thú y Hà Nội, thời điểm này đang là mùa mưa lũ, rất thuận lợi cho mầm bệnh có thể lây lan qua đường sông suối từ những nơi có ổ dịch cũ hoặc nơi nguy cơ cao. Thêm vào đó, các đàn gia súc, gia cầm được tiêm phòng đợt 1/2014 đã gần hết thời gian miễn dịch, trong khi số gia súc, gia cầm mới nhập về và mới sinh ra chưa được tiêm phòng vaccine nên chưa có khả năng miễn dịch. Do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh thời gian tới là rất cao.

Chặn dịch bằng nhiều biện pháp

Ngay sau khi có thông tin về chủng cúm gia cầm mới, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn gửi các địa phương yêu cầu triển khai công tác phòng, chống. Đồng thời, Cục Thú y đang triển khai kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập khẩu động vật tại các cửa khẩu, ngăn chặn sự lây lan của dịch Ebola. Tại Hà Nội, cuối tuần qua, Chi cục Thú y đã giao ban với lãnh đạo 30 trạm thú y quận, huyện và các chốt kiểm dịch động vật để triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP. Ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi của TP khá ổn định, chưa phát hiện ổ dịch nào. Tuy nhiên, lượng động vật, sản phẩm động vật nhập vào TP hàng ngày rất lớn. Bởi vậy, nhiệm vụ trọng tâm là giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật được nhập từ các tỉnh về Thủ đô. Hiện, toàn TP có 9 chốt kiểm dịch động vật liên ngành và một chốt kiểm dịch lưu động thường xuyên triển khai hoạt động, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cùng với đó, Chi cục Thú y đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các ngành phối hợp với cơ quan thú y kiểm tra, đôn đốc công tác tiêm phòng vaccine đại trà đợt 2/2014 cho đàn gia súc, gia cầm; Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thông tin, tuyên truyền để người dân được biết các loại vaccine mà TP hỗ trợ cũng như thời gian tiêm phòng; Đơn vị nào không tiêm bổ sung vaccine, khi xảy ra dịch bệnh mà gia súc đó không được tiêm phòng thì trưởng ban thú y xã và trạm trưởng trạm thú y huyện phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, theo ông Đỗ Phú Sơn - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội, các địa phương cần giám sát chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm các trường hợp gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không để dịch lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Về lâu dài, cần tổ chức phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tập trung ngoài khu dân cư theo Quyết định của UBND TP để kiểm soát tốt dịch bệnh cho vật nuôi...
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chi cục Thú y Hà Nội triển khai tiêm phòng đại trà đợt 2/2014 từ 1/9 - 1/10. Riêng vaccine lở mồm long móng típ nhị giá (O - A), Chi cục Thú y Hà Nội cấp 44.375 liều cho các địa phương và yêu cầu các huyện có ổ dịch cũ, nguy cơ cao như Gia Lâm, Ba Vì, Phúc Thọ tổ chức tiêm sớm cho đàn trâu, bò.