Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn chặn nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên đường Phạm Văn Đồng: Không hợp thửa phải thu hồi

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/1, UBND quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức gặp mặt cơ quan báo chí thông tấn để làm rõ nội dung liên quan đến Dự án Đầu tư mở rộng đường Vành đai 3, trên tuyến Phạm Văn Đồng đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long. Trong đó có nội dung liên quan đến nhà “siêu mỏng, siêu méo” được xây dựng trên tuyến đường này và đã được Kinh tế & Đô thị phản ánh qua loạt bài mới đây.

 Công trình siêu mỏng tại Tổ dân phố Hoàng 13 (phường Cổ Nhuế 1) có 1 cạnh chỉ sâu 1,65m. Ảnh: Doãn Thành
Xây dựng sai thiết kế

Hiện nay, dự án đầu tư mở rộng đường Phạm Văn Đồng chưa hoàn thiện nhưng đã có cả chục căn nhà dạng "siêu mỏng, siêu méo" mọc lên. Một trong những công trình được coi là phản cảm nhất đang gấp rút hoàn thiện vào những ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất 2018 là ngôi nhà 5 tầng + tầng bán hầm + tum tại Tổ dân phố Hoàng 13 (phường Cổ Nhuế 1), được xây dựng theo Giấy phép số 1231/GPXD và số 1232/GPXD ngày 30/7/2018.

Theo bản vẽ cấp phép, cạnh nhỏ của thửa đất là 0,65m từ trục 1 đến trục 2 được thiết kế làm ban công. Tại Văn bản số 872/SXD-TTr, của Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo Thành ủy, UBND TP có ghi rõ, trong khi xây dựng công trình đã lùi lại không xây dựng từ trục 1 đến trục 2, nên cạnh bên của trục 2 là 1,65m nhỏ hơn so với quy định tối thiểu là 3m, nên vẫn gây phản cảm.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bắc Từ Liêm Đỗ Anh Tuấn cho biết, sau khi tiến hành GPMB, mảnh đất này đã được Văn phòng đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì hình thửa đủ điều kiện thì UBND quận cấp Giấy phép xây dựng. “Công trình này đã xây dựng sai so với thiết kế. Sở Xây dựng đã có báo cáo Thành ủy, UBND TP về phương án xử lý” - ông Đỗ Anh Tuấn thông tin.

Thực tế, TP Hà Nội đã có quy định rõ ràng về những mảnh đất bị cắt xén sau khi đền bù GPMB được phép xây dựng phải đáp ứng các điều kiện: Về diện tích không được dưới 15m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu (so với chỉ giới xây dựng) không được dưới 3m. Nhiều chuyên gia về quản lý đô thị cho rằng, trường hợp này do chủ đầu tư đã “cố tình” lách luật để có thể xây dựng được công trình.

Tích cực vận động hợp khối

Để thực hiện dự án mở rộng đường Vành đài 3 trên tuyến Phạm Văn Đồng, TP Hà Nội đã tiến hành đền bù, hỗ trợ GPMB cho 796 hộ gia đình, 55 cơ quan và đã bố trí cho 609 căn hộ chung cư tái định cư. Do tuyến đường quy hoạch cắt chéo qua khu dân cư, các công trình và thửa ruộng, dẫn đến phần hình dạng của công trình, khu đất còn lại xuất hiện các góc nhọn. Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Nắng Mai cho biết, UBND quận đang thực hiện quản lý cấp phép xây dựng, chỉnh trang mặt tiền và quản lý trật tự xây dựng theo quy định. Cùng với đó, tuyên truyền vận động người dân hoàn thiện công trình, hợp khối kiến trúc, nhằm dần triệt tiêu một cách căn bản về góc nhọn của công trình do việc phải cắt xén GPMB sau khi thực hiện quy hoạch mở rộng đường.

Qua rà soát cho thấy, trên địa bàn 3 phường: Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2 và Xuân Đỉnh có tổng cộng 71 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đã được thống kê và ra thông báo yêu cầu hợp thửa, hợp khối nếu không thực hiện sẽ thu hồi phục vụ mục đích công cộng. “Nhưng đến thời điểm hiện tại, việc tiến hành hợp thửa, hợp khối là tương đối khó khăn, mới chỉ vận động được khoảng chục hộ đồng tình” - bà Nguyễn Thị Nắng Mai chia sẻ.

Lý giải về điều này, bà Mai cho biết thêm, không phải hộ gia đình nào cũng đủ điều kiện về tài chính để tiến hành hợp thửa. Nhưng UBND các cấp đã có văn bản thông báo, nếu trong khoảng thời gian cho phép mà các gia đình không tự thỏa thuận được với nhau sẽ tiến hành thu hồi theo quy định.