Theo đó, ngày 14/6, Công an Đà Nẵng đã thực hiện chuyên án triệt phá đường dây sản xuất sách giáo khoa giả, thu giữ 1 triệu con tem, 600.000 cuốn sách giả thành phẩm và bán thành phẩm, trị giá khoảng 12 tỷ đồng, toàn bộ máy in, máy cắt, máy đóng kim, máy may chỉ, máy dán keo, xe ô tô, bản kẽm, giấy in... Công an đã tạm giữ hình sự các nghi phạm liên quan để tiếp tục điều tra mở rộng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục, trong năm 2024, tại nhiều tỉnh/thành như Đồng Nai, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Vũng Tàu… các đơn vị chức năng đã liên tiếp phát hiện và tạm giữ các cuốn sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo sản phẩm của NXB Giáo dục Việt Nam.
Không chỉ sách của NXB Giáo dục bị làm giả. Hiện nay, sách giả được rao bán nhan nhản trên mạng xã hội.
Một lần, một bạn đọc mua một cuốn sách của tác giả Nguyễn Hiến Lê trên mạng xã hội. Khi nhận sách, anh thấy sách in không có NXB, giá cả… liền trả lại cho người giao hàng, bởi “không tiếp tay cho những kẻ sản xuất sách giả, sách lậu”.
Bạn đọc khác, một lần vào quán sách đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hồ Chí Minh để mua cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của tác giả - GS.TS Đỗ Tất Lợi. Anh mua 1 cuốn, về xem kỹ thì thấy một số trang in lem nhem, nghĩ lại thấy sách giá rẻ bất thường. Khi gọi điện hỏi người nhà của GS Đỗ Tất Lợi thì được khẳng định đó là sách giả, vì sách thật không thể có giá như vậy và không in kém chất lượng…
Cuốn sách về cây thuốc nổi tiếng nói trên cũng được rao bán nhan nhản trên mạng xã hội và đều là…. sách giả. Bởi, sách được chính gia đình tổ chức xuất bản, tự bán nên không thể được rao bán trên mạng với giá rẻ gần một nửa như vậy…
Sách nổi tiếng thường ngay lập tức bị làm giả. Sách giả thường được rao bán dưới dạng “sách thanh lý”, “sách xả kho”, “kho sách”... Người rao bán đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng, do đó không ngần ngại tuyên bố: “cho kiểm tra sách”…
Đây là vấn đề được nhiều nhà sách, NXB lên tiếng trong thời gian qua. Nhiều vụ việc đã được các cơ quan chức năng phát hiện, triệt phá. Tuy nhiên, nạn sản xuất sách giả, sách lậu vẫn tồn tại dai dẳng làm nản lòng các nhà làm sách chân chính, gián tiếp ảnh hưởng đến văn hóa đọc.
Hơn nữa, sách giả tồn tại cũng có nghĩa việc làm gian trá đang được xã hội (một bộ phận người đọc) chấp nhận và ảnh hưởng đến tính cách của giới trẻ.
Để sách giả không tồn tại, trước hết người đọc cương quyết không tiếp tay cho những kẻ làm sách giả, chỉ mua sách thật của nhà sản xuất chân chính. Ở đây đòi hỏi về đạo đức của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chế tài nặng không chỉ với người làm sách giả mà còn với cả những người liên quan như: in ấn, vận chuyển… Chỉ có như vậy, nạn sản xuất sách giả mới bị đẩy lùi.
Riêng với sách giáo khoa, như khuyến cáo của Bộ GD&ĐT, phụ huynh và học sinh nên mua ở nhà sách uy tín, nhà sách thuộc hệ thống của ngành giáo dục, đăng ký mua sách tại trường học; không mua sách trôi nổi dù có thể rẻ hơn.