Vận hành cơ sở dữ liệu quản lý, điều hành xăng dầu quốc gia

Ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh xăng dầu

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Giá xăng dầu cũng có ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), qua đó ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của cả nước.

Bảo đảm nguồn cung, điều hành giá xăng dầu phù hợp

Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước. Trước tình hình đó, Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm nguồn cung cũng như điều hành giá xăng dầu phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm nguồn cung cũng như điều hành giá xăng dầu phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm nguồn cung cũng như điều hành giá xăng dầu phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Hiện cả nước có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 329 thương nhân phân phối xăng dầu và khoảng gần 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ngăn chặn hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc điều tiết cung cầu mặt hàng xăng dầu, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước (về nguồn hàng hóa, hệ thống phân phối, địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp...).

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu để cập nhật trên ứng dụng phần mềm quản lý mặt hàng xăng dầu cũng cần bảo đảm tuân thủ các quy định về chế độ báo cáo của doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực xăng dầu, và việc bảo mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương đã có 01 chuyên mục về công khai minh bạch hoạt động kinh doanh xăng điện, xăng dầu. Tại đây, Bộ Công Thương đăng tải thông tin về giá thế giới (dùng để tính giá cơ sở), giá bán lẻ, tên doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.

Tăng cường ứng dụng công nghệ quản lý kinh doanh xăng dầu

Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, Nghị quyết số 42-NQ/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã khẳng định: “Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất, kinh doanh và bảo quản xăng dầu là rất cần thiết để đảm bảo hạn chế sự can thiệp của con người”. Đồng thời Bộ Công Thương đã có chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị có liên quan (Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Bộ) thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức quản lý nhà nước trong điều hành kinh doanh xăng dầu.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia. Đến nay, 2 bộ đã tổ chức các cuộc họp triển khai nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Đồng thời tổ chức đoàn công tác liên Bộ Công Thương - TT&TT khảo sát thực tế về hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng đáp ứng việc thực hiện báo cáo theo quy định pháp luật hiện hành, trên hệ thống cơ sở dữ liệu và các nội dung có liên quan tại 3 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu); Công ty CP xăng dầu Thụy Dương (thương nhân phân phối xăng dầu); Công ty CP xăng dầu Duy Tuấn (đại lý bán lẻ xăng dầu). 

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia.

Phối hợp xây dựng yêu cầu chi tiết xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia. Việc vận hành hệ thống được chia làm các giai đoạn khác nhau với các yêu cầu chi tiết phù hợp, trong đó: Giai đoạn 1 từ ngày 20/5/2022, thực hiện áp dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và các thương nhân phân phối xăng dầu với các yêu cầu hệ thống ở mức cơ bản, phù hợp để phục vụ nhu cầu quản lý và điều hành xăng dầu của Bộ Công Thương. Giai đoạn 2, sau 3 tháng, hệ thống sẽ được hoàn thiện có khả năng thực hiện quản lý trên toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu với các yêu cầu chi tiết và tiêu chí cao hơn giai đoạn đầu.

Đến ngày 20/5/2022, trên cơ sở phối hợp giữa 2 bộ, có thể thực hiện áp dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia giai đoạn 1, đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và các thương nhân phân phối xăng dầu đúng như tiến độ đã đề ra. Theo đó, khởi tạo tài khoản cho toàn bộ các đối tượng thương nhân trong giai đoạn 1 gồm: 2 thương nhân sản xuất, 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và khởi tạo thông tin 329 thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT hoàn thiện việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia, đồng thời duy trì vận hành và triển khai rộng rãi, góp phần thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu một cách hiệu quả.