Xây dựng quy chế Quản lý kiến trúc đô thị:

Ngăn chặn “thảm hoạ” cảnh quan đô thị

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, công tác quản lý kiến trúc tại các đô thị là một trong những đòi hỏi bức thiết. Đây được coi là khâu then chốt nhằm hình thành bộ mặt đô thị hiện đại, đồng bộ, phát triển bền vững và tạo môi trường sống thuận lợi cho người dân.

Không gian kiến trúc cảnh quan tại Khu đô thị Ecopark
Không gian kiến trúc cảnh quan tại Khu đô thị Ecopark

Kiến trúc đô thị thiếu bản sắc

Hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có tốc độ phát triển đô thị vượt bậc với gần 1.000 khu đô thị mới ra đời. Các khu đô thị mới, khu ở mới trong đô thị hình thành tạo bộ mặt kiến trúc đô thị lẫn hạ tầng kỹ thuật đô thị đã hiện đại hơn, tiện nghi hơn nhưng cũng là thách thức cho những đô thị cũ.

Tại đó thiếu tính nối kết không gian, không thống nhất về hình thái kiến trúc rất cần một định hướng trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị và quy định mới trong thiết kế kiến trúc. Việc không tuân thủ các quy định trong xây dựng khá phổ biến, bộ máy quản lý của nhà nước có phần buông lỏng, thiếu hướng dẫn thực hiện. Trong khi thực thi dự án, việc xử lý vi phạm lại không nghiêm minh, không kịp thời để lại bộ mặt đô thị khá lộn xộn, không hài hoà, thiếu tính thống nhất trong tổng thể đô thị.

Theo TS.KTS Nguyễn Tất Thắng - Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng), thời gian qua cho thấy đã không ít khu đô thị đạt thành công ở cả quy hoạch lẫn phong cách kiến trúc như: Ecopark, Phú Mỹ Hưng, Phúc Khang, Vinhomes…  Tuy nhiên, điều đáng để suy ngẫm là phần đa số còn lại, hầu hết manh mún, thiếu bản sắc, có xu hướng đồng nhất hóa về hình thái, cấu trúc và diện mạo kiến trúc…

Đi cùng với những hệ quả của quá trình đô thị hóa mất kiểm soát như: ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, mật độ cư trú quá tải, thiếu thốn các tiện ích thuộc hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thiếu vắng cây xanh và mặt nước, ngập lụt và cháy nổ, mất trật tự và tệ nạn xã hội, yếu thế trong phòng dịch bệnh…

Trước những tồn tại, theo các chuyên gia để thực hiện tốt công tác quản lý kiến trúc, các địa phương cần sớm xây dựng quy chế quản lý kiến trúc tại đô thị. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức thiết nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển hiện nay, tránh những khó khăn bất cập trong quá trình thực hiện sau này.

Cần xây dựng thí điểm ở một số địa phương

Luật Kiến trúc (có có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) đã quy định rõ thời hạn việc chuyển đổi Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đã được các địa phương xây dựng trước đây sang Quy chế quản lý kiến trúc. Tuy nhiên, tại một số số địa phương công tác chuyển đổi này diễn ra còn chậm.

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia phân tích, việc chậm trễ này đã gây ra hệ lụy khi chưa có một công cụ quản lý mới (Quy chế quản lý kiến trúc) mà công cụ cũ (Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc) lại hết hiệu lực thì địa phương không biết dựa vào cái gì để quản lý, dẫn đến làm chậm tốc độ đầu tư các dự án xây dựng và phát triển đô thị tại địa phương; nó có thể gây thiệt hại về thời gian và tài chính cho cả nhà đầu tư và địa phương.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng, trong nhiều trường hợp việc có một công cụ pháp lý tốt, được nghiên cứu bài bản, dù mất thời gian, dù chậm nhưng có thể ngăn chặn những hệ luỵ tiêu cực của việc đầu tư và xây dựng thiếu kiểm soát, chạy theo lợi nhuận do thị trường dẫn dắt.

Nói về nội dung xây dựng quy chế Quản lý kiến trúc đô thị, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng lưu ý ba vấn đề quan trọng gồm bảo tồn, môi trường và phát triển. Nhất là cần tôn trọng ý kiến của cộng đồng xã hội trong mọi kiến tạo, đặc biệt đối với các đô thị lịch sử, di sản, hiện hữu. Ngoài ra, xây dựng quy chế quản lý, quản trị và vận hành, cần chú ý tới vấn đề kinh tế đô thị.

Cần tuân thủ nghiêm ngặt về chỉ tiêu mật độ dân số, khống chế mật độ cư trú. Khảo sát, nhận diện, xác định giá trị và phân loại các công trình kiến trúc có giá trị để từ đó có giải pháp ứng xử, bảo tồn, khai thác và phát huy, đồng thời có hướng dẫn bảo tồn, tu tạo, hạ giải, xây mới…

Bên cạnh đó, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị cần phải lồng ghép và tuân thủ các bộ luật khác có tính riêng biệt, đặc thù như Luật Thủ đô, đô thị với cơ chế phát triển đặc thù… Và phải thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong quản lý, quản trị, vận hành đô thị của các cấp chính quyền đô thị, không bị chi phối hoặc áp đặt can thiệp từ các pháp chế khác.

“Việc xây dựng quy chế là không hề dễ cho mỗi đô thị, mỗi địa phương. Do đó, nên có những nghiên cứu thí điểm, để rút kinh nghiệm, trước khi nhân rộng” - TS.KTS Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh.

 

“Quy chế quản lý kiến trúc” là một công cụ pháp luật mới - quy định trong Luật Kiến trúc, cùng với “Danh mục các công trình kiến trúc có giá trị” được kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng quản lý nhà nước trong việc bảo vệ các công trình kiến trúc và cảnh quan đô thị có giá trị, đồng thời, kiến tạo không gian kiến trúc, cảnh quan có chất lượng, từ tổng thể đến chi tiết cho các thành phố ở Việt Nam trong tiến trình phát triển. Với công cụ mới này, chúng ta hy vọng có thêm một “lớp bảo vệ” để ngăn chặn những thảm hoạ cảnh quan đô thị như việc xoá sổ các công trình kiến trúc có giá trị để thay thế bằng những dự án nhà ở thương mại cao tầng mới, mà không được đánh giá đầy đủ các tác động về giao thông, môi trường và văn hoá, đã và đang diễn ra không chỉ ở Hà Nội và khắp nơi trên cả nước.

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia

 

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần