Ngăn chặn thông tin tiếp sức thao túng chứng khoán

TS Phan Văn Thường (Đại học Quốc tế Hồng Bàng)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thao túng thị trường chứng khoán người ta tìm mọi cách đẩy giá cổ phiếu. Truyền thông và mạng xã hội đang là công cụ hữu hiệu cho việc truyền tải thông tin tiếp sức đẩy giá cổ phiếu.

Nhà đầu tư giao dịch tại sàn chứng khoán. Ảnh: Hoàng Triều  
Nhà đầu tư giao dịch tại sàn chứng khoán. Ảnh: Hoàng Triều  

Thực tế các kênh truyền thông và mạng xã hội đang được các đối tượng có âm mưu thao túng thị trường chứng khoán (TTCK) triệt để khai thác. Dù mức độ và cách thức “phím” thông tin khác nhau nhưng đều tạo “ảo giác thị trường” cho nhà đầu tư. Vấn đề đáng nói là đến nay cơ quan quản lý mới cảnh báo các thông tin sai sự thật ảnh hưởng niềm tin nhà đầu tư với thị trường. Trong khi đó, dạng thông tin tiếp sức đẩy giá cổ phiếu lại bị bỏ ngỏ.

Ai tung thông tin tiếp sức đẩy giá cổ phiếu?

Phải khẳng định ngay chỉ có những tổ chức, cá nhân được hưởng lợi khi giá cổ phiếu được đẩy lên mới tìm cách tung hô thông tin tiếp sức cho việc đẩy giá cổ phiếu. Dĩ nhiên đó không phải là các nhà đầu tư. Họ không có cơ hội làm việc này. Chỉ những cá nhân/tổ chức có âm mưu thao túng TTCK và tổ chức/cá nhân liên quan được hưởng lợi mới làm việc đó.

Trước hết đó là một số cổ đông chi phối và cổ đông lớn nắm quyền quản lý/điều hành các công ty niêm yết/đăng ký giao dịch trên 3 sàn giao dịch chứng khoán. Đặc biệt cổ đông này thuộc các công ty có cơ cấu cổ đông cô đặc và quy mô cổ phần vừa và nhỏ, khá thuận lợi trong tổ chức thao túng TTCK. Thứ đến là các tổ chức kinh doanh dịch vụ có thu nhập ăn theo quy mô và giá giao dịch chứng khoán. Các công ty chứng khoán không chỉ xung đột lợi ích khi đồng thời vừa môi giới vừa tự doanh, mà còn xung đột giữa trung thành với khách hàng với mục tiêu tăng nguồn hoa hồng và lãi cấp margin.

Điều dễ hiểu, nhiều công ty chứng khoán rất “siêng” trong tung hô chỉ số giá thị trường, giá của cổ phiếu này hay cổ phiếu nọ. Thông tin của họ phát ra đương nhiên nhiều nhà đầu tư tin theo, đặc biệt đối với hàng triệu nhà đầu tư F0. Tại sao? Vì người phát thông tin thường nhân danh giám đốc môi giới/chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán. Họ có mục đích tiếp sức cho việc đẩy giá cổ phiếu hay không cũng không ai quan tâm. Khác với các TTCK thế giới, TTCK nước ta dường như chưa xuất hiện các nhà phân tích thị trường độc lập. Nên nhìn chung thông tin phát ra chỉ một chiều có lợi cho các công ty chứng khoán.

Đương nhiên, các trang điện tử của không ít tờ báo đã trở thành công cụ bị lợi dụng, được khai thác triệt để trong tung tin tiếp sức cho việc đẩy giá cổ phiếu. Báo chí có lỗi hay không chưa thể bình luận tại đây nhưng đó là sự thật cần suy ngẫm. Trong khi đó, mạng xã hội đã tạo môi trường tự do cho các nhóm “đội lái” đưa ra nhiều chiêu nhằm dụ dỗ, lôi kéo cá nhân tham gia chứng khoán với mục đích đẩy giá cổ phiếu.

Khi đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư rất quan tâm đến các phát ngôn của lãnh đạo công ty về triển vọng lợi nhuận và giá cổ phiếu. Bởi vì hơn ai hết, họ là người hiểu sâu nhất về hiện tại và tương lai của công ty. Đương nhiên, điều cần biết là mỗi phát ngôn của lãnh đạo công ty được coi là công bố thông tin. Đã là công bố thông tin yêu cầu phải chính xác. Cho nên, thông thường lãnh đạo công ty khá tối kỵ trong phát ngôn nhận định về cổ phiếu của công ty mình, vì nhạy cảm với quy định công bố thông tin theo Luật Chứng khoán.

Hình ảnh trên mạng có thông tin tung hô 2 cổ phiếu thuộc họ FLC
Hình ảnh trên mạng có thông tin tung hô 2 cổ phiếu thuộc họ FLC

Thông tin không có cơ sở vẫn phát mặc nhiên

Thực tế TTCK Việt Nam trong thời gian qua rất nhiều lần chứng kiến các lãnh đạo thi nhau “tung hô” cổ phiếu của công ty mình. Điển hình như trường hợp ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC. Từ năm 2015 đến 2021 ông Quyết không ít lần cam kết về viễn cảnh tốt đẹp của cổ phiếu FLC và các cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC được báo giới truyền thông rầm rộ. Nhưng thực tế giá của các cổ phiếu họ FLC dường như không diễn ra như lời tung hô của ông Trịnh Văn Quyết.

Thực tế ông Quyết đưa ra các cam kết dưới dạng “lời hứa” để che đậy mục đích tung hô để làm giá cổ phiếu FLC. Nếu Chủ tịch FLC lợi dụng báo chí để truyền tải lời tung hô cho mục đích làm giá cổ phiếu của mình thì chủ tịch Louis Holdings, ông Nguyễn Thành Nhân dường như tinh vi hơn, dựa vào mạng xã hội để thực hiện làm giá nhiều cổ phiếu thuộc họ Louis. Không dừng lại những lời tung hô có cánh của lãnh đạo công ty, mạng xã hội đang được một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tung tin nhận định, dụ nhà đầu tư nên đầu tư cổ phiếu này hay cổ phiếu nọ.

Chẳng hạn, trên một trang mạng quảng cáo dụ nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty chứng khoán TCBS đã đưa ra danh mục 10 siêu cổ phiếu doanh nghiệp tăng trưởng tốt nên đầu tư trong năm 2022. Trong tốp 10 này có 2 cổ phiếu thuộc họ FLC là ROS và ART. Thực tế đã cho thấy đây là 2 cổ phiếu trong họ FLC đã có dấu hiệu làm giá đang được cơ quan điều tra quan tâm. Rõ ràng nhận định thể hiện trên trang mạng này đã dựng ra thông tin sai lệch nhằm tung hô cổ phiếu ROS và cổ phiếu ART.

Việc đưa ra nhận định về mức điểm chỉ số chứng khoán hàng năm của một số công ty chứng khoán, hoặc của chuyên gia hay của cá nhân khác cũng là vấn đề cần suy nghĩ nên hay không. Luật Chứng khoán không quy định cụ thể điều này. Tuy nhiên, mức điểm chỉ số họ dự kiến hàng năm mang tính chủ quan, cách biệt nhiều so với điểm chỉ số thực tế diễn ra cuối năm. Đây cũng là một chiêu dụ nhà đầu tư, thực chất cũng là một cách tiếp sức cho hoạt động đẩy giá cổ phiếu.

Với VN-Index năm 2022 Công ty chứng khoán SSI dự kiến đạt 1.750 điểm, Công ty chứng khoán MBKE kỳ vọng đạt gần 1.800 điểm, trong khi Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Tập đoàn HSBC dự kiến tăng lên mức 1.850 điểm. Hãy chờ xem điểm chỉ số VN-Index thực tế cuối năm sẽ cách biệt bao nhiêu? VN-Index cuối năm 2017 đạt mức 902,81 điểm, một số công ty chứng khoán nhận định năm 2018 tăng lên mức từ 1230-1300 điểm, riêng đại gia bất động sản Trịnh Văn Quyết cho rằng lên mức 2.000 điểm là có thể. Thực tế VN-Index cuối năm 2018 chỉ đạt 892,54 điểm, giảm 10,27 điểm so với cuối năm 2017.