Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn chặn tin đồn thất thiệt

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội đã nhanh chóng nắm tình hình trên không gian mạng, lên danh sách các trường hợp đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 để xử lý nghiêm theo quy định.

Công an TP Hà Tĩnh lập biên bản vi phạm hành chính đối tượng tung tin đồn dịch Covid - 19. Ảnh: Hải Yến
Xử lý kịp thời người đưa tin thất thiệt
Xử lý những thông tin sai lệch này, ngày 11/3, Công an TP Hà Nội cho biết, liên quan đến việc tung tin đồn thất thiệt về bệnh nhân số 17 nhiễm virus SARS-CoV-2, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP đã lập biên bản xử lý 23 trường hợp và đang tiếp tục nắm tình hình, lên danh sách các trường hợp đưa thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 để xử lý nghiêm theo quy định.
Công an TP Hà Nội cũng triệu tập chị K.P.T. (sinh năm 1984, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) để làm rõ vụ việc đăng tải hai thông tin sai sự thật trên về nữ bệnh nhân số 17 nhiễm virus SARS-CoV-2. Tại cơ quan công an, chị T. đã thừa nhận những thông tin mình đăng là không có cơ sở và cam kết không tái phạm.
Trước đó, tính từ ngày 31/1 đến 14/2, Công an các đơn vị thuộc Công an TP Hà Nội đã lập hồ sơ xử lý 11 cá nhân đăng tin sai sự thật về dịch bệnh lên trang facebook cá nhân và Youtube. Ngoài việc yêu cầu các cá nhân gỡ các bài viết sai sự thật, viết cam kết không tái phạm, một số trường hợp đã bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng internet có mức xử phạt 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân.
Gây khó khăn trong phòng, chống dịch
"Cần phải chấn chỉnh ngay những việc tung tin không nên có như vậy"- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh. Trên cơ sở phân tích cơ chế lan truyền của dịch Covid-19, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, khi có thông tin bệnh nhân dương tính với virus Sars-Cov-2 có mặt ở những nơi công cộng, chắc chắn rất nhiều người sẽ rất lo lắng rằng “liệu mình có bị lây chéo hay không, hoặc gia đình mình có nhiễm từ mình không, mình có phải cách ly hay không, sao mình thuộc diện nghi ngờ mà không được quan tâm”... Từ đó gây ra sự hoang mang, bất an trong xã hội. Trong khi đó, nếu bệnh nhân có đến những nơi công cộng như vậy sẽ được các cơ quan chức năng điều tra dịch tễ, có thông báo đến địa điểm đó và những người tiếp xúc để chủ động phòng chống.
Ông Nguyễn Khắc Hiền cũng dẫn chứng thêm, có trường hợp người nghi ngờ nhiễm bệnh được các cơ quan chức năng đưa đi cách ly tập trung, cơ sở y tế xét nghiệm cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, trên mạng xã hội liên tục đồn đoán người này đã nhiễm bệnh, do đó, rất nhiều người xung quanh họ lo lắng, rồi nhiều ý kiến bình luận nghi ngờ cơ quan y tế giấu bệnh. “Có thể nói những tin đồn sai lệch, thiếu kiểm duyệt, xác minh gây khó khăn trong công tác tuyên tuyền, giám sát y tế tại cộng đồng, cần ngăn chặn để không ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch”- Giám đốc Sở Y tế cho biết.
Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, những thông tin về ca nhiễm, tình hình dịch bệnh được công bố kịp thời, công khai trên các báo chính thống của TP và T.Ư, người dân nên nghe, đọc thông tin ở đây. Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội chiều 11/3, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP tiếp tục nắm tình hình trên không gian mạng, lên danh sách các trường hợp đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 để xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời khuyến cáo người dân không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.