Ngăn chặn tình trạng lãi thật, lỗ giả: Mạnh tay xử lý vi phạm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện tình trạng chuyển giá nhằm trốn thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang là vấn đề được các cơ quan quản lý quan tâm.

Nhiều chiêu chuyển giá

Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2011 qua kiểm tra 921 DN FDI kê khai lỗ, đã phát hiện xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2010; tiến hành truy thu và phạt vi phạm hành chính thuế 1.669 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2010. Tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù chỉ chiếm 3% tổng số DN, nhưng số tiền mà khối DN FDI khai báo lỗ chiếm đến hơn 20% tổng số tiền lỗ của các DN trên địa bàn.

Nhằm tạo ra tình trạng "lãi thật, lỗ giá", tránh nộp thuế thu nhập DN,  không ít DN FDI cố tình nâng giá máy móc thiết bị, nguyên liệu đầu vào nhập từ công ty mẹ, sau đó bán lại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cho công ty mẹ với giá thấp. Điều này khiến giá thành sản phẩm do DN FDI sản xuất trở nên đắt hơn  từ đó DN FDI báo cáo lỗ. Đã có DN FDI chuyển giá, trốn thuế thông qua hình thức chuyển đổi thành công ty cổ phần để niêm yết trên sàn chứng khoán, rồi bán bớt cổ phần chuyển toàn bộ vốn ra khỏi Việt Nam...

Theo ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, trên thực tế, DN FDI còn được thực hiện việc chuyển giá bằng cách kê khai tăng chi phí bản quyền, quảng cáo, "vận dụng linh hoạt" các chi phí tài chính từ tập đoàn mẹ ở nước ngoài. Hành vi này không chỉ diễn ra ở các DN kinh doanh thua lỗ, mà ở cả DN có lãi và hòa vốn cũng có tình trạng tương tự.

Có tình trạng này là do hiện Việt Nam có nhiều ưu đãi thuế thu nhập DN, cho phép chuyển lỗ năm trước sang năm sau đối với DN FDI... Đây là kẽ hở để DN FDI lợi dụng chuyển giá, khai báo thua lỗ để không phải nộp thuế thu nhập DN từ những khoản đầu tư trước đó.

Quyết liệt xử lý

Để ngăn chặn tình trạng chuyển giá của DN FDI, các cơ quan chức năng phải quyết liệt vào cuộc ngay từ khâu kêu gọi đầu tư, xét duyệt, thẩm định, cấp phép cho dự án, hậu kiểm quá trình hoạt động của DN.

TS Vũ Đình Ánh (Bộ Tài chính) cho rằng, để chống chuyển giá, Nhà nước phải có các chính sách, chế tài đủ mạnh để các nhà đầu tư không dám chuyển giá thu lời bất chính. Muốn được như vậy cần luật hóa công tác chống chuyển giá, xây dựng Luật Chống chuyển giá hoặc sửa đổi Luật Quản lý thuế, trong đó có những quy định cụ thể về chống chuyển giá. Ngoài ra, Nhà nước cần có quy định cấm nhà đầu tư nước ngoài kê khai lỗ với một số ngành nghề như gia công, sản xuất phần mềm... Sửa đổi Luật DN, trong đó quy định rõ DN có nghĩa vụ phải bổ sung vốn trong trường hợp lỗ quá vốn đăng ký, không hoàn thuế VAT cho DN lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu…

Nhằm ngăn chặn một cách có hiệu quả việc chuyển giá  của DN FDI, từ nay đến hết năm 2012, Tổng cục Thuế sẽ tổ chức thanh tra 1.500 DN có hoạt động giao dịch liên kết với công ty, đối tác nước ngoài. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng thí điểm cơ chế quyết định trước về phương pháp xác định giá tính thuế. Theo đó, các DN FDI phải chủ động đề xuất mức giá thực hiện mua bán giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi khai nộp thuế. Cơ quan thuế Việt Nam sẽ phối hợp cùng cơ quan thuế nước ngoài có ký kết hiệp định chống đánh thuế 2 lần với Việt Nam để giám sát, kiểm soát chống gian lận chuyển giá.

Cùng với đó, việc dự thảo Luật Quản lý thuế đang được sửa đổi và trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới. Đề án "Ngăn ngừa và hạn chế chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam" do Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới xây dựng sẽ là một trong những công cụ chính trong hoạt động chống chuyển giá của các DN, qua đó lành mạnh lại môi trường kinh doanh cho các DN.