Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn chặn từ gốc sự lãng phí

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một cái tên được giới truyền thông nhắc nhiều trong những ngày cuối năm này, đó là Hanoi Food Rescue (HFR). Năm 2013, trước thực trạng số lượng thức ăn bị lãng phí đang ở mức báo động, trong khi xã hội còn rất nhiều mảnh đời khó khăn, nhóm học sinh các trường THPT trên địa bàn Hà Nội như Hà Nội - Amsterdam, chuyên Ngoại Ngữ (ĐHQG Hà Nội), Chu Văn An… đã gặp nhau trong ý tưởng “giải cứu” thức ăn dư thừa.

Từ ngày thành lập đến nay, các thành viên và tình nguyện viên của HFR, hầu hết là học sinh THPT, đã mang đến cho trên 16.000 người nghèo, bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, trẻ mồ côi… trên 50.000 suất ăn miễn phí từ nguồn thực phẩm dư thừa tại 30 nhà hàng, khách sạn và tiệm bánh ngọt… Tất cả đều thơm ngon, sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
 Tình nguyện viên nhóm HFR.
Để thấy thêm ý nghĩa các hoạt động của HFR, cần nhắc lại thông tin nhiều lần được đưa ra từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO). Đó là 1/3 thực phẩm trên thế giới bị hư hỏng hoặc bỏ đi trong quá trình vận chuyển từ sản xuất đến tiêu thụ, gây thiệt hại đến 940 tỷ USD/năm. Số lượng này đủ nuôi sống cả 3 châu lục là châu Phi, châu Âu và châu Mỹ trong vòng 1 năm. Một thông tin khác cũng được nhắc tới là kết quả khảo sát do Electrolux thực hiện trên quy mô 4.000 hộ gia đình tại 8 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm, chỉ xếp sau Trung Quốc.
Trên thế giới đã có nhiều cách làm để hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm khủng khiếp nêu trên. Đó là dựa vào công nghệ kết nối các siêu thị, cửa hàng thực phẩm với những khách hàng có nhu cầu mua thức ăn thừa với giá rẻ như ở Anh và Đức, mở cửa hàng chuyên bán thực phẩm hết hạn như ở Đức, Đan Mạch, áp dụng lệnh cấm các siêu thị bỏ thức ăn không sử dụng như ở Pháp…
Nhắc lại những câu chuyện trên là để thấy hoạt động của HFR là vô cùng ý nghĩa, đáng trân trọng. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng “giải cứu” thực phẩm dư thừa như cách làm của HFR hay một vài tổ chức khác là cần thiết, nhưng có lẽ quan trọng, cần thiết hơn là làm sao hạn chế, ngăn chặn từ gốc việc phát sinh tình trạng lãng phí đó.
Những ai đã từng dự các buổi liên hoan, đám cưới, tiệc tùng ở nhà hàng, khách sạn…, thường gia tăng dịp cuối năm, mới thấy sự lãng phí đó là đáng sợ. Trong nhiều trường hợp, số thức ăn còn lại trên các bàn tiệc, trong đó có những món gần như chưa ai đụng đũa, còn nguyên chất lượng đều bị người phục vụ đổ lẫn vào những thùng chứa, nghĩa là bỏ đi một cách không thương tiếc.
Không ai chắc là cái hỗn hợp đó có được dùng làm thức ăn chăn nuôi hay không, nhưng có một điều chắc chắn là nếu được chọn lọc, đóng gói cẩn thận, hợp vệ sinh đó sẽ là những suất ăn mang lại nguồn dinh dưỡng cần thiết cũng như làm ấm lòng rất nhiều người đang trong hoàn cảnh khó khăn.
Chứng kiến cảnh thức ăn bị vứt bỏ một cách không thương tiếc đó, lại nghĩ nếu mỗi tổ chức, gia đình, cá nhân… có ý thức ngay từ đầu trong việc lựa chọn thực đơn các buổi liên hoan, tiệc tùng sao cho vừa đủ sẽ góp phần hạn chế từ gốc tình trạng thực phẩm dư thừa, lãng phí nêu trên. Điều đó cũng có nghĩa là làm giảm đáng kể lượng thực phẩm dư thừa phải “giải cứu”.
Tất nhiên, để mỗi tổ chức, gia đình, cá nhân nhận thức và thực hiện điều đó không hề dễ dàng bởi tâm lý khoa trương hình thức, thích mâm cao cỗ đầy…, thậm chí thói quen vung phí tiền công phần nào đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít người. Song khó không có nghĩa là không thể, khi mỗi người chúng ta ý thức được trách nhiệm, vai trò của mình trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm ở Việt Nam và thế giới.