Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn chặn vi phạm tốc độ, nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vi phạm tốc độ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông. Việc xử lý nghiêm vi phạm sẽ hướng tới thay đổi nhận thức và hành vi của lái xe về tốc độ phương tiện khi tham gia giao thông.

Ngỡ ngàng khi bị phạt nặng

Chạy quá tốc độ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), gây nguy cơ tử vong trực tiếp đối với người tham gia giao thông. Theo Uỷ ban ATGT quốc gia, với vận tốc 70km/giờ, sự va đập sẽ tăng gấp 2 lần so với 50 km/giờ; vận tốc 87 km/giờ khiến sự va đập tăng lên gấp 3 lần so với vận tốc 50km/giờ; vận tốc 100km/giờ thì sự va chạm tăng lên gấp 4 lần so với 50 km/giờ. Khi tăng tốc độ trung bình 5% thì TNGT tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, khi chạy quá tốc độ quy định, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt từ 800 nghìn đến 12 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 4 tháng đối với ô tô; còn đối với xe máy bị xử phạt từ 200 nghìn đến 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 4 tháng.

Ngăn chặn vi phạm tốc độ, nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông - Ảnh 1
 Nhiều trường hợp điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ cho phép bị lực lượng chức năng xử phạt.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp vi phạm. Sáng ngày 10/6, tổ công tác của Đội CSGT số 9 (Phòng CSGT) ra quân xử các vi phạm liên quan đến tài xế điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định trên QL32 đoạn qua địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chỉ trong ít phút ra quân, nhiều trường hợp điều khiển ô tô và xe máy đã vượt quá tốc độ cho phép bị lực lượng CSGT dừng xe xử lý vi phạm.

Phân trần với CSGT chị N.T.L trú tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội cho biết: “Tôi di chuyển không để ý biển báo nên đã vượt tốc độ 70/50km/giờ. Hôm nay, bị lực lượng chức năng xử phạt tôi sẽ lưu ý lần sau đi đường chú ý hơn. Mức phạt gần 1 triệu đồng sẽ khiến tôi rút kinh nghiệm mỗi lần tham gia giao thông ”.

Anh N. V. N điều khiển xe ô tô vượt quá tốc độ 80/60km/giờ cho biết: “Tôi di chuyển nhưng không để ý công tơ mét của xe. Với lỗi này, tôi bị thông báo xử phạt tới 7 triệu đồng. Đây là mức phạt khá nặng nên lần sau tôi sẽ rút kinh nghiệm”.

Khi bị lực lượng CSGT ghi nhận, xử lý, ban đầu tài xế L. T. T còn không tin bản thân đã chạy quá tốc độ vì cho rằng không có biển báo tốc độ ở đoạn đường này. Tài xế đã quay trở lại để kiểm tra biển báo và xác nhận là đúng rồi mới chấp nhận ký vào biên bản. Khi được hỏi lý do chạy quá tốc độ, tài xế lý giải: “Đoạn đường này tôi đã chạy hàng ngày, do bản thân chủ quan, không quan sát kỹ các biển báo nên chạy quá tốc độ”.

Thay đổi nhận thức người dân

Theo thống kê của Uỷ ban ATGT Quốc gia, trên 80% các vụ TNGT nghiêm trọng đều có nguyên nhân từ việc chạy quá tốc độ, không làm chủ tốc độ. Việc làm chủ tốc độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ giúp người điều khiển phương tiện dễ xử lý tình huống bất ngờ mà còn hạn chế được tai nạn nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử lý vi phạm tốc độ cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ TNGT xảy ra.

Ngăn chặn vi phạm tốc độ, nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông - Ảnh 2
 Việc kịp thời ngăn chặn người tham gia giao thông với tốc độ cao sẽ giảm thiểu TNGT.

Để hạn chế các vụ TNGT do phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ tốc độ, lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý rất nghiêm các hành vi vi phạm. Từ đầu năm 2023 đến tháng 4/2024, lực lượng CSGT  (Công an TP Hà Nội) đã xử lý 18.288 trường hợp vi phạm tốc độ. Tuy nhiên, việc xử lý còn nhiều khó khăn.

 

Trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 21.880 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 11.498 người, bị thương 15.255 người. Qua phân tích 34 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong năm 2023, việc không chấp hành quy định về tốc độ chiếm thứ 2 trong các nguyên nhân gây tai nạn giao thông (14,71%). 

Cũng trong năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, không chấp hành quy định về tốc độ đứng thứ 2 trong số vụ vi phạm bị xử lý, với hơn 663.000 trường hợp vi phạm, chiếm 19,83% số vụ" - ông Tạ Đức Giang - Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố Hà Nội

Thiếu tá Lã Sơn Tùng - cán bộ đội CSGT số 9 cho biết: “Chúng tôi bố trí lực lượng trải khắp các cung đường trên địa bàn, nhất là những điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT nhằm kịp thời xử lý các vi phạm. Việc thường xuyên có lực lượng trên đường cũng góp phần nhắc nhở người tham gia giao thông ý thức hơn và vi phạm về tốc độ cũng được hạn chế”.

Theo thiếu tá Lã Sơn Tùng, lực lượng chức năng căn cứ vào hình ảnh của hệ thống giám sát và camera có ghi lại những video khi người dân yêu cầu sẽ cung cấp đầy đủ thông tin địa điểm và thời gian vi phạm. Song song với việc tăng cường tuần tra, xử lý, các cơ quan chức năng đã và đang tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.

Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương cho rằng, vi phạm về tốc độ là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ TNGT thảm khốc. Ngăn chặn vi phạm tốc độ là một trong những giải pháp hàng đầu để giảm thiểu TNGT.

“Cùng với việc lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, giải pháp căn cơ để người đi đường tuân thủ quy tắc giao thông là đẩy mạnh giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức. Trong công tác này, sự tham gia của các kênh thông tin, truyền thông đóng vai trò quan trọng” – thạc sĩ Nguyễn Văn Dương chia sẻ.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần có giải pháp tổ chức giao thông khoa học. Đơn cử như bố trí biển báo đường bộ nên có sự nhắc lại trên đường, giúp người điều khiển phương tiện dễ quan sát và chú ý hơn. Từ đó góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, muốn phòng ngừa hậu quả phải nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật, bảo đảm an toàn cho chính mình và những người xung quanh.