Cán bộ Thú y lấy mẫu kiểm dịch sản phẩm thịt lợn sau giết mổ tại lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). Ảnh: Ánh Ngọc |
Nhiều khó khăn
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân trên địa bàn TP từ 900 - 1.000 tấn/ngày. Trong khi đó, toàn TP có 259 cơ sở, điểm giết mổ lợn, trong đó, 47 cơ sở, điểm giết mổ được kiểm soát với số lượng bình quân 6.500 - 7.000 con/ngày, chiếm khoảng 60% tổng số lợn giết mổ toàn TP; số còn lại là giết mổ nhỏ lẻ. Do đó, vấn đề kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật có vai trò rất quan trọng nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn bán ra thị trường.
Tuy nhiên, do địa bàn TP rộng, tiếp giáp với nhiều tỉnh, có nhiều tuyến giao thông trọng điểm nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm rất cao. Hiện, Luật Thú y bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh, kiểm dịch trứng gia cầm tươi, trứng thương phẩm nhưng không có hướng dẫn, quy định cụ thể nên đã gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật. Mặt khác, việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh cũng gây bất cập trong kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư hiện nay.Theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh, qua kiểm soát sản phẩm động vật trên địa bàn huyện cho thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ được vận chuyển, kinh doanh đều không có bao gói và nhãn hàng hóa. Khi phát hiện lô hàng động vật hay sản phẩm động vật vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch, chủ hàng thường khai báo nguồn gốc trong TP nên cán bộ thú y không có cơ sở kiểm tra. Trong khi đó, đa phần hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ lại xem nhẹ và cho rằng, phần lớn gia cầm thương phẩm đã bán qua kênh thương lái, còn lại số ít tiêu thụ ở chợ tự do nên không cần thiết phải xin giấy kiểm dịch.Mạnh tay truy xuất nguồn gốc động vậtĐể khắc phục bất cập trong công tác kiểm dịch, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã cử cán bộ trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch động vật liên ngành TP theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm ngăn chặn các loại động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vận chuyển vào TP. Đối với cơ sở giết mổ lợn, khi giết mổ phải bảo đảm lợn khỏe mạnh, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y; có nguồn gốc rõ ràng, có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp, định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng động vật, sản phẩm động vật của các tỉnh, TP đưa về thị trường Hà Nội tiêu thụ và ngược lại để truy xuất nguồn gốc xuất xứ.Đối với các tỉnh, TP cần chủ động thông tin kịp thời những trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật vi phạm như giấy kiểm dịch không hợp lệ, vận chuyển không có giấy kiểm dịch, thủ tục kiểm dịch không đúng nơi cấp… nhằm phối hợp kiểm tra và xử lý vi phạm đạt hiệu quả. Về phía các sở, ngành cần tham mưu cho TP chỉ đạo những đơn vị liên quan như công an, quản lý thị trường phối hợp với lực lượng thú y để kiểm soát tốt việc truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm tại các chợ dân sinh. Qua đó hạn chế vi phạm, góp phần ngăn ngừa lây lan mầm bệnh từ các tỉnh, thành khi đưa thịt lợn và lợn thương phẩm về Hà Nội. “Sở cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn sát với thực tế để vừa kiểm soát tốt động vật, sản phẩm động vật đưa vào kinh doanh, vừa tạo thuận lợi cho người sản xuất, kinh doanh” – ông Đăng nhấn mạnh.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của TP đã thực hiện kiểm dịch hơn 7,8 triệu tấn sản phẩm động vật nhập về thị trường Hà Nội tiêu thụ và hơn 24,8 triệu tấn sản phẩm động vật từ Hà Nội xuất đi các tỉnh, thành. |