Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng báo lãi khủng, cổ phiếu thăng hoa

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 2 và 6 tháng đầu năm của các ngân hàng đã giúp cho nhóm cổ phiếu nhà băng "dậy sóng".

Những cái tên bứt phá

Bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm của các ngân hàng bắt đầu được hé lộ. Trong đó, thị trường chứng kiến nhiều cái tên với kết quả bứt phá ngoạn mục.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố con số lợi nhuận quý 2 đạt tốp đầu.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố con số lợi nhuận quý 2 đạt tốp đầu.

Thông tin mới nhất vừa được hé lộ, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) ước tính đạt gần 5.900 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ, thực hiện hơn 50% kế hoạch đề ra từ đầu năm. Tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh dự kiến đạt hơn 9.400 tỷ đồng, tăng gần 113% so với cùng kỳ. Các chỉ số đều tăng trưởng khả quan. Với mức tăng trưởng này, SHB chắc chắn bước chân vào nhóm những ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận top đầu trong nửa năm 2022.

Một ngân hàng khác cũng đã chính thức công bố kết quả kinh doanh là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - SSB). Tính đến hết ngày 30/6/2022, tổng tài sản của SeABank đạt 229,723 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 2,806 tỷ đồng. Đáng chú ý, thu thuần ngoài lãi (NOII) cũng ghi nhận con số tăng trưởng 226% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1,736 tỷ đồng.

Mới đây, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đã công bố ước tính kết quả kinh doanh quý II năm nay của 26 DN trong đó có 10 ngân hàng: ACB, BIDV, VietinBank, HDBank, MB, Techcombank, TPBank, Vietcombank, VIB, MSB.

Cụ thể, với Ngân hàng Á Châu (ACB), SSI cho rằng ngân hàng này đã sử dụng phần lớn hạn mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6 (tăng 10% so với đầu năm, đồng thời tăng 16% so với cùng kỳ). Trong khi đó, áp lực trích lập dự phòng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp đối với ACB do tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,7-0,8%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ACB quý 2/2022 dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ).

Với BIDV, SSI kì vọng lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2022 của BID ước tính đạt 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ), nhờ hệ số LDR tăng lên (tăng trưởng tín dụng đạt 9-10% và tăng trưởng huy động là 2,6%) và chi phí tín dụng giảm. Chất lượng tài sản được kỳ vọng sẽ cải thiện, với nợ xấu ổn định và các khoản nợ tái cơ cấu Covid-19 giảm mạnh.

VietinBank (HoSE: CTG ), SSI kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của CTG trong quý 2/2022 sẽ đạt 4,6 - 4,7 nghìn tỷ đồng (tăng 68% so với cùng kỳ). SSI lưu ý rằng mức tăng trưởng mạnh mẽ này là do mức cơ sở thấp trong quý 2 năm 2021.

HDBank (HoSE: HDB), tại thời điểm cuối quý 2/2022, tăng trưởng tín dụng và huy động tại HDB ở mức khá cao, lần lượt đạt 15% và 12% so với đầu năm, nhờ đó HDB đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng quý 2/2022 ước tính đạt 2,5 - 2,7 nghìn tỷ đồng.

Techcombank (HoSE: TCB ), theo SSI, TCB đã gần sử dụng hết hạn mức tín dụng kể từ quý 1/2022. Do đó, nhóm phân tích cho rằng Quý 2/2022 TCB sẽ phải xoay sở trong hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại là khá hạn chế. Hoạt động kinh doanh trái phiếu có khả năng không thuận lợi do giao dịch trên thị trường trầm lắng trong thời gian này. Tuy nhiên, do nguồn cung tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay có thể đã được điều chỉnh tăng đối với một số phân khúc để đảm bảo NII tăng trưởng khá. Ước tính TCB có thể đạt lợi nhuận trước thuế là 7-7,2 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ) trong quý 2/2022.

MSB (HoSE: MSB ), SSI ước tính MSB có thể đạt 1.600 - 1.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 14% so với cùng kỳ 2021. Con số này giảm chủ yếu hơn 1.500 tỷ đồng phí trả trước của hợp đồng bancassurance độc quyền được ghi nhận trong quý II/2021

Cổ phiếu ngân hàng "dậy sóng"

Có thể thấy, những kỳ vọng tích cực về con số lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các ngân hàng đã "phản chiếu" lên nhóm cổ phiếu bank.

Phiên giao dịch gần đây nhất vào ngày 14/7, nhóm này trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán khi dẫn dắt và đóng góp tích cực nhất cho VN-Index. Đóng cửa, VN-Index tăng 8,25 điểm (0,07%) lên 1.182,17 điểm, HNX-Index tăng 3,39 điểm (1,2%) đạt 284,75 điểm, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (0,11%0) đạt 87,19 điểm.

Trong đó, với 27 mã cổ phiếu ngân hàng thì chỉ có 3 mã đóng cửa ở giá đỏ với mức giảm rất nhẹ. VCB, CTG và VPB là những mã thuộc tốp cổ phiếu tác động tích cực nhất khi mang lại cho thị trường tới hơn 1,6 điểm.

Ngoài ra, STB, SHB và VPB gây chú ý mạnh khi đây là những mã có thanh khoản đạt gàn 10 triệu đơn vị.

Ở nhóm các cổ phiếu giữ giá tham chiếu, OCB và HDB đều nỗ lực khi đóng cửa ở mức giá cao nhất phiên. OCB hôm nay chịu áp lực điều chỉnh vì một số nhà đầu tư chốt lời sau khi đã có 3 phiên tăng mạnh liên tiếp.

Ngoài giao dịch trên sàn tích cực, một số cổ phiếu ngân hàng còn ghi nhận lượng thỏa thuận với giá tốt như MBB của MB, CTG của VietinBank, SHB của Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội, VCB của Vietcombank hay MSB của Ngân hàng Hàng Hải. Trong đó, MBB, CTG và MSB đều xuất hiện các lệnh thỏa thuận giá trần.

Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến khó lường, các cổ phiếu ngân hàng vẫn là những mã đầu tư trung và dài hạn được nhiều chuyên gia khuyến nghị vào thời điểm này.