Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng cấp tốc thu thập sinh trắc trước "giờ G"

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt ngân hàng nhắc nhở khách hàng nhanh chóng thực hiện xác thực sinh trắc học khi mốc thời gian 1/1/2025 đến gần. Việc cập nhật được triển khai đồng loạt trên cả kênh online (trên ứng dụng ngân hàng) và offline (tại các quầy giao dịch).

Tiến tới 100% giao dịch ngân hàng cần xác thực sinh trắc học

Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, các tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng chưa hoàn tất xác thực sinh trắc học trước mốc 1/1/2025 sẽ phải tạm dừng giao dịch trực tuyến. Đối với các giao dịch thẻ như quẹt POS, rút tiền, mở thẻ hoặc mở tài khoản trực tuyến, nạp ví điện tử từ thẻ khách hàng cũng không thể thực hiện nếu thông tin sinh trắc học chưa được cập nhật đầy đủ.

Khách hàng có thể đến tất cả các điểm giao dịch của ngân hàng để được hướng dẫn, hỗ trợ, cập nhật thông tin sinh trắc học và giấy tờ tùy thân
Khách hàng có thể đến tất cả các điểm giao dịch của ngân hàng để được hướng dẫn, hỗ trợ, cập nhật thông tin sinh trắc học và giấy tờ tùy thân

Đây là bước đi tiếp theo của ngành Ngân hàng sau Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ về triển khai xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng và tổng giá trị giao dịch quá 20 triệu đồng/ngày.

Hiện các ngân hàng thương mại, ví điện tử đang khẩn trương đề nghị khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học trong năm 2024. Hàng loạt ngân hàng đã gửi thông báo yêu cầu khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt hoặc giọng nói. Thậm chí, một số nhà băng còn khuyến mại quà tặng, tiền mặt để khuyến khích khách hàng cập nhật sinh trắc học.

Như SHB khuyến nghị khách hàng cần nhanh chóng hoàn tất đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản/thẻ theo đúng quy định muộn nhất vào ngày 31/12/2024. Vietcombank, BIDV, Sacombank, Techcombank, Nam A Bank, VPBank, MB và ACB khuyến khích người dùng nhanh chóng xác thực sinh trắc học. Các ngân hàng này cài đặt sẵn thông báo nhắc nhở mỗi khi người dùng đăng nhập ứng dụng để thanh toán.

Đặc biệt, Vietcombank từ cuối tháng 11 đã mở cửa các điểm giao dịch ngoài giờ hành chính để hỗ trợ khách hàng nhanh chóng cập nhật thông tin sinh trắc học và giấy tờ tùy thân đã hết hạn. Trong khi đó, MB, VPBank và Techcombank, Agribank còn tổ chức tặng quà và tiền mặt cho người dùng hoàn thành việc xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân trước mốc quy định.

Đại diện một ngân hàng cổ phần cho biết việc khuyến khích người dùng sớm hoàn thành sinh trắc học để tránh tình trạng quá tải, ùn ứ, thậm chí tắc nghẽn như trường hợp tháng 7/2024 (các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực sinh trắc học).

Chị Nguyễn Ngọc Anh (ở Tây Hồ Hà Nội) chia sẻ: “Trước kia tôi không quan tâm xác thực sinh trắc học do không chuyển tiền có giá trị lớn. Nay ngân hàng thông báo không cập nhật xác thực dù là giao dịch nhỏ cũng không thể thực hiện sau ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, khi cập nhật sinh trắc học, tôi thấy khá đơn giản. Ban đầu, tôi cũng băn khoăn độ nhạy quét của các App ngân hàng khác nhau, nhưng khi cập nhật sinh trắc học của tài khoản 3 ngân hàng VPBank, Vietcombank, BIDV đều thực hiện dễ dàng.

Ngăn chặn gian lận, mua bán tài khoản ngân hàng

Không chỉ ngân hàng, các ví điện tử hay công ty chứng khoán cũng liên tục triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dùng kịp thời hoàn tất xác thực sinh trắc học trên ứng dụng. Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo, cho biết từ tháng 11/2024, MoMo đã phối hợp với Bộ Công an để tích hợp dịch vụ xác thực điện tử ngay trên ứng dụng VNeID. Người dùng MoMo có thể tự xác thực sinh trắc học qua VNeID một cách thuận tiện và bảo mật mà không cần sử dụng công nghệ NFC, giúp hỗ trợ người dùng gặp khó khăn trong việc xác thực do thiết bị thiếu NFC hoặc không thông thạo công nghệ.

Theo Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến ngày 26/9/2024, đã có 38 triệu tài khoản, trong đó bao gồm 4 triệu ví điện tử xác thực sinh trắc học. Việc triển khai sinh trắc học đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng gian lận, lừa đảo khi chuyển tiền của những tài khoản mua bán, mượn. Đại diện NHNN hy vọng rằng các tổ chức cung ứng tiếp tục đẩy mạnh thu thập, kiểm tra dữ liệu sinh trắc học, so sánh với dữ liệu dân cư.

Theo các chuyên gia bảo mật, sinh trắc học, với các giao dịch cần xác thực sinh trắc học, bên cạnh phương thức xác thực bằng mã Smart/SMS OTP, khách hàng phải đối chiếu hình ảnh khuôn mặt thực tế của người đang thực hiện giao dịch bảo đảm khớp với dữ liệu lưu trữ trong chip của Căn cước công dân gắn chip. “Việc bổ sung lớp bảo mật sinh trắc học này sẽ giúp hạn chế tối đa các thủ đoạn mạo danh lừa đảo, chiếm quyền truy cập thiết bị hoặc đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản" - đại diện BIDV cho biết.

Theo Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, việc triển khai sinh trắc học của các ngân hàng trong đợt 2 này có nhiều thuận lợi, do các nhà băng đã có kinh nghiệm triển khai từ đợt thực hiện sinh trắc học cho các giao dịch trực tuyến trên 10 triệu và tổng giá trị giao dịch trên 20 triệu trong ngày. Hiện, cơ sở hạ tầng, công nghệ và sự thông suốt trong vận hành là yếu tố kỹ thuật quan trọng nhất đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ xác thực dữ liệu cho toàn bộ tài khoản của cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp thì các TCTD, trung gian thanh toán cần sự hợp tác tích cực từ phía khách hàng, nhất là thái độ chủ động dành thời gian để cập nhật thông tin sớm nhất có thể, tránh tình trạng sát đến ngày tài khoản bị tạm ngừng giao dịch mới chạy đua cập nhật, gây tình trạng ùn nghẽn.

Toàn ngành ngân hàng hiện có khoảng 180 triệu tài khoản, nếu loại trừ các tài khoản không sử dụng thì từ nay đến cuối năm, các TCTD hoàn thành xác thực khoảng 60% số tài khoản trên là cơ bản hệ thống ngân hàng đã có dữ liệu tài khoản sạch, chính chủ. Mặc dù vậy, hiện nay việc đăng ký doanh nghiệp, mở tài khoản vẫn chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ. Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị ngành kế hoạch đầu tư và các địa phương quan tâm hơn đến hoạt động cấp phép thành lập doanh nghiệp, đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp để có thể “truy vết” khi phát sinh các vấn đề liên quan đến vi phạm pháp luật hoặc gian lận trong thanh toán, thương mại.