Dù lợi nhuận đứng đầu khối ngân hàng tư nhân nhưng giá cổ phiếu TCB vẫn khiến nhà đầu tư thất vọng. Ảnh: Nha Trang |
Lợi nhuận đi lên, giá cổ phiếu đi xuống
Thời gian gần đây, các ngân hàng lần lượt công bố rầm rộ những con số lợi nhuận “khủng” với hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Techcombank (Mã CK: TCB) 6 tháng đạt kỷ lục 5.700 tỷ đồng, đứng đầu trong khối ngân hàng tư nhân. Techcombank cũng là ngân hàng ghi nhận tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ 15 quý liên tiếp. Cũng nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất, riêng quý II/2019, lãi trước thuế hợp nhất của VPBank đã cán mốc 2.560 tỷ đồng, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm ngoái và là quý tăng trưởng lợi nhuận thứ ba liên tiếp. Hay tại MBBank, 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế ngân hàng này đạt gần 4.875 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Ở top ngân hàng tầm trung, kết thúc 6 tháng 2019, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt 1.116 tỷ đồng, bằng 181% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 59% mục tiêu kế hoạch năm 2019.
Cổ phiếu giao dịch trên thị trường là do cung cầu quyết định và ban lãnh đạo Techcombank vẫn đang làm tốt nhất công việc của mình. Với mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 20%/ năm, Techcombank vẫn có thể đứng ngang hàng với các nhà băng ở khu vực. Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh |
Đi ngược với sự tăng trưởng lợi nhuận, giá cổ phiếu ngân hàng lại đang khiến các nhà đầu tư thất vọng khi liên tục lao dốc hoặc èo uột dưới mệnh giá. Cụ thể, TCB của Techcombank từ khi niêm yết giảm gần 47%; một năm gần đây giảm 18,93% và tuần gần nhất cũng chỉ loanh quanh ở ngưỡng 22.650 đồng/CP. Cổ phiếu VPB của VPBank từ 20/9 đến nay, 4/5 phiên giẫm chân tại chỗ mức 21.400 đồng/CP, mức giá này giảm 11,2% so với giá ngày đầu niêm yết và 17,37% trong vòng một năm trở lại đây. Thậm chí, một số cổ phiếu ngân hàng tầm trung như SHB, LPB của LienVietPostBank… một thời gian dài ì ạch dưới mệnh giá. Đơn cử, LPB lên Upcom tháng 10/2017 với giá tham chiếu 14.800 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, đến nay, giá cổ phiếu này chỉ loanh quanh ở mức 7.500 đồng/CP - bằng giá một mớ rau hay cốc trà đá (!). Cùng cảnh gian nan “bò” về mệnh giá là cổ phiếu SHB. Nhiều năm qua, giá cổ phiếu này vẫn giao dịch với mức giá èo uột trên HNX. Tuần gần đây nhất, SHB giẫm chân tại chỗ ở mức giá 6.500 đồng/CP.Giải thích cho việc lợi nhuận cứ tăng khủng, giá cổ phiếu ngân hàng vẫn lao dốc, tại nhiều cuộc gặp gỡ nhà đầu tư và báo chí, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, điều này nằm trong xu thế chung của thị trường. Còn ngân hàng vẫn đang thực hiện tốt các kế hoạch của mình và chiến lược đó đang mang lại kết quả tốt.
Vung tiền mua cổ phiếu quỹ
Để cải thiện giá cổ phiếu, nhiều ngân hàng đã móc hầu bao hàng nghìn tỷ đồng mua vào cổ phiếu quỹ. Đại diện Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết, thời gian qua, do tác động của các yếu tố vĩ mô, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động dẫn tới giá cổ phiếu nhiều ngân hàng, trong đó có HDBank bị giảm nhiều.
Theo ý kiến một số chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, thị giá cổ phiếu HDBank đang ở mức thấp hơn giá trị hợp lý và không phản ánh đúng tiềm năng tăng trưởng cao và phát triển bền vững của ngân hàng. “Ngân hàng tin rằng giá cổ phiếu HDB sẽ tăng trưởng tích cực trong thời gian tới. Và việc mua lại cổ phiếu đã phát hành làm cổ phiếu quỹ ở vùng giá hiện nay sẽ không chỉ giúp ổn định giá cổ phiếu mà còn là một khoản đầu tư mang lại hiệu quả cao cho ngân hàng và cổ đông”- đại diện ngân hàng này cho hay. Vì thế, mới đây, HDBank đã công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, trong đó có nội dung dự kiến mua lại tối đa 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành để làm cổ phiếu quỹ, tương ứng khoảng 49 triệu cổ phiếu. Với mức giá 26.450 đồng/CP vào đầu giờ sáng 26/9, HDBank phải chi hơn 1.200 tỷ đồng nếu mua tối đa 5% vốn.
Cũng với mục tiêu ổn định giá cổ phiếu, giảm bớt số cổ phiếu đang lưu hành nhằm tăng tỷ lệ sinh lời trên mỗi cổ phiếu cho nhà đầu tư, đồng thời, mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ cũng được xem là việc đầu tư vào một tài sản có giá trị, HĐQT VPBank cũng thông báo sẽ mua tối đa 50 triệu cổ phiếu trên thị trường, tương đương 1,976% vốn điều lệ để làm cổ phiếu quỹ. Thời gian dự kiến mua là trong quý IV/2019, theo phương án thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Với mức giá hiện tại, VPBank cũng sẽ phải móc nghìn tỷ đồng hầu bao để thực hiện kế hoạch này.
Trước đó, MBBank đã mua hơn 47 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 108 triệu đơn vị đăng ký. Ước tính ngân hàng này cũng phải chi hơn 1.000 tỷ đồng để mua lượng cổ phiếu đã thông báo.