Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng chưa muốn giảm lãi vay

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh khoản dồi dào, các ngân hàng lần lượt áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, giảm khoảng 0,2 - 0,4 điểm phần trăm lãi suất huy động, song lãi suất cho vay vẫn chưa giảm.

Lãi suất huy động giảm trong ngắn hạn
Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất đầu vào là do thanh khoản hệ thống dồi dào, lượng tín dụng đẩy ra nền kinh tế trong quý I chưa nhiều, trong khi nguồn huy động vẫn đang tăng trưởng tốt; giảm lãi suất huy động là để giảm bớt chi phí lãi đầu vào, đảm bảo khả năng sinh lời. Không chỉ lãi suất trên thị trường, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm khá mạnh. Mức lãi suất qua đêm bình quân giảm 0,47 điểm phần trăm so với cuối năm 2017 xuống còn 0,83%; lãi suất 1 tuần ở mức 0,98%, lãi suất 1 tháng ở mức 1,73% (lần lượt giảm 0,9% và 1,2% so với cuối năm 2017).
 Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, đây không phải là xu thế dài hạn hoặc cả năm, mà chỉ xảy ra tại một thời điểm nhất định. Thực tế nhiều ngân hàng như VIB, VPBank, MB, VietinBank, Vietcombank… công bố giảm lãi suất huy động khách hàng cá nhân trong tháng 3/2018. Một số ngân hàng bắt đầu điều chỉnh mức thỏa thuận lãi suất tiền gửi với khách hàng giảm 0,1 - 0,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, mức điều chỉnh giảm chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn.

Với các kì hạn dài, quy định tại Thông tư 06, tỷ lệ vốn ngắn cho vay trung và dài hạn đang rút từ đầu năm 2018 chỉ còn 45%, nên các ngân hàng cần huy động vốn dài hạn để có thể đáp ứng tỷ lệ đó. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), dư nợ cho vay trung, dài hạn có dấu hiệu tăng. Cụ thể, quý I/2018, tăng 4,3% trong khi tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 2,6%. Do phần lớn người dân gửi tiền với kỳ hạn ngắn, trong khi nhu cầu vay vốn dài hạn ngày càng tăng, nên một số ngân hàng linh hoạt hình thức huy động vốn thông qua chứng chỉ tiền gửi, nhằm thu hút tiền gửi từ dân cư.

Áp lực vốn dài hạn và lạm phát

Năm 2018, ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất nhằm hỗ trợ DN. Tuy nhiên, hơn 1/4 chặng đường đã qua, việc giảm lãi suất chưa như mong muốn.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Do đó, phải có một độ trễ nhất định thì ngân hàng mới tính đến chuyện giảm thêm lãi suất cho vay để tương ứng với nguồn vốn huy động mới. Tuy nhiên, vị này cho biết, việc giảm lãi suất huy động hoàn toàn không đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay, vì nó phụ thuộc vào các hoạt động hạch toán của ngân hàng, vào nhu cầu vay. Đặc biệt, áp lực lạm phát của năm 2018 có thể mạnh hơn năm 2017, đó là áp lực lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát của nước ngoài hội nhập. Do đó, khả năng giảm tiếp lãi suất cho vay không thể hiện rõ nét.

“Tại thời điểm này chưa thấy dấu hiệu lãi suất cho vay có thể giảm bởi hiện tại các ngân hàng muốn tận dụng thời điểm này để hút vốn huy động, từ đó có dự phòng để có thể đáp ứng nhu cầu của hoạt động tín dụng trong thời gian tới” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét. Ngoài ra, với kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2018 lên tới 200 nghìn tỷ đồng (cao hơn đáng kể so với kế hoạch năm 2017 và 2016), với kỳ hạn dài lãi suất cao không chỉ là kênh hút vốn riêng của hệ thống ngân hàng mà còn của DN và nhà đầu tư, sẽ góp phần đẩy lãi suất của thị trường tăng.

Nhìn chung mặt bằng lãi suất của các ngân hàng vẫn giữ ổn định, mục tiêu giảm tiếp lãi suất chưa thực hiện do: Áp lực bên ngoài tức Mỹ tiếp tục tăng lãi suất; Áp lực về lạm phát, giá dầu tăng kéo theo mặt bằng giá cả trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ bị tăng. Việt Nam tiếp tục tăng giá một số mặt hàng cơ bản như điện, lương, y tế, giáo dục trong năm nay, nên tạo ra áp lực khá lớn với lạm phát. Chính phủ, NHNN có vẻ ráo riết hơn đối với việc xử lý nợ xấu, và ngân hàng khó mà giảm lãi suất trong bối cảnh như vậy. 

TS Cấn Văn Lực