Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng “cơ cấu” vốn trái phiếu

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau gần nửa năm trầm lắng, hoạt động huy động trái phiếu bất ngờ sôi động trong 2 tháng gần đây. Đáng chú ý, ngân hàng vừa phát hành trái phiếu, vừa mua lại trái phiếu trước hạn.

Ồ ạt phát hành trái phiếu

Theo dữ liệu Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8 (tính đến ngày công bố thông tin 25/8/2023), có 15 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 13.555 tỷ đồng. Trong đó có tới 10 đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng với giá trị phát hành lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.

Hàng loạt ngân hàng cũng cơ cấu lại nguồn vốn trái phiếu, thể hiện qua hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn. Ảnh minh hoạ
Hàng loạt ngân hàng cũng cơ cấu lại nguồn vốn trái phiếu, thể hiện qua hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn. Ảnh minh hoạ

Danh sách ngân hàng phát hành trái phiếu gồm BIDV, Viettinbank, ACB, BacAbank, MSB... Cụ thể, ACB có 3 đợt phát hành với tổng giá trị 6.500 tỷ đồng, MSB phát hành 1.000 tỷ đồng, OCB 2.000 tỷ đồng, BacABank 800 tỷ đồng, BIDV 700 tỷ đồng…

LPBank thông chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 2 với quy mô 3.293 tỷ đồng. Hay đầu tháng 7, VietBank đã báo cáo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2022 (đợt 2), thành công, tương đương giá trị phát hành 1.900 tỷ đồng.

Một số ngân hàng phát hành trái phiếu có mức lãi suất thấp dao động từ 7,5 - 9%/năm. Ví dụ, HDBank trong tháng 7 phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 7 năm và lãi suất 9,1%/năm; Vietinbank cũng phát hành 5000 tỷ đồng trái phiếu, với 2 loại kỳ hạn 8 năm và 10 năm với lãi suất 7,5%...

Hoạt động phát hành trái phiếu đã bắt đầu sôi động trở lại trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Có nhiều "lý do" để các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong bối cảnh hiện nay. Đó là hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ đi vào hoạt động bước đầu với số lượng mã trái phiếu khiêm tốn, nhưng đã được nhà đầu tư đón nhận. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ đã được vận hành ổn định trong tuần đầu tiên hoạt động (từ 19/7), ghi nhận thanh khoản còn khiêm tốn nhưng HNX đang có kế hoạch đưa thêm 1.000 mã vào niêm yết, tiến tới tất cả các mã trái phiếu buộc phải đăng ký giao dịch.

Thứ hai, lợi suất trái phiếu đã giảm. "Chúng tôi kỳ vọng lợi suất TPDN tiếp tục giảm khi lãi suất huy động/cho vay sẽ còn dư địa giảm trong quý III/2023”- Chủ tịch HNX Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.

Công ty Chứng khoán MSVN nhận định, khi lợi suất TPDN giảm, nó sẽ phản ánh sự tác động đến từ rất nhiều yếu tố, ví dụ như lãi suất, rủi ro tín dụng, lạm phát, điều kiện của thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, khi có nhiều yếu tố rủi ro, biến động và thị trường chưa hoàn toàn khôi phục niềm tin, nhiều nhà đầu tư sẽ chú trọng vào trái phiếu có lợi suất thấp hơn nhưng rủi ro vỡ nợ thấp hơn để bảo toàn vốn. Và đây cũng chính là lúc nhóm ngân hàng, với "đặc tính" được minh định trong niềm tin chung: "rủi ro vỡ nợ thấp nhưng tính bảo toàn vốn cao" tận dụng cơ hội.

Mua- bán vòng quanh

Các chuyên gia cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới, giúp các NHTM linh hoạt hơn trong cơ cấu nguồn vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Việc cơ cấu nguồn vốn của các NHTM cũng được thể hiện trong tái cơ cấu nợ, với hoạt động mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn, tăng mạnh.

Tính từ giữa tháng 6 đến nay, ABBank đã mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đang lưu hành của 8 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá lên đến 5.500 tỷ đồng. Các lô trái phiếu đều được phát hành vào năm 2021 và phải tới năm 2024 mới tới hạn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ngày 21/8, ngân hàng đã có quyết định sửa đổi bổ sung phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần một năm 2023. ABBank sẽ triển khai phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu.

Không chỉ riêng ABBank, tính từ đầu năm tới nay, các ngân hàng đã mua lại trên 80.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Riêng trong tháng 8, có 6 ngân hàng thực hiện 10 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 6.634 tỷ đồng. Toàn bộ trái phiếu mua lại trước hạn là trái phiếu được phát hành giai đoạn 2021 - 2022 với lãi suất tương đối cao.

Sở dĩ các ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là do đang dư thừa thanh khoản. Việc giải ngân vốn đầu ra thấp, nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế vẫn ì ạch, mua lại trái phiếu dường như là một trong những cách giải quyết vấn đề này. Việc này phần nào làm giảm mức độ thừa vốn.

Bên cạnh đó, việc mua lại trái phiếu là để cơ cấu lãi và thời hạn vay. Thực tế, nhiều ngân hàng một mặt mua lại trái phiếu trước hạn ở các kỳ hạn 2 - 3 năm, một mặt lại phát hành các lô trái phiếu mới kỳ hạn 5 - 10 năm.

Lãnh đạo một ngân hàng cho hay, lý do khiến các ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là để cơ cấu lại kỳ hạn trái phiếu và cơ cấu lại lãi suất. Theo đó, không loại trừ việc ngân hàng mua lại trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm để lấy dư địa phát hành trái phiếu mới kỳ hạn trên 5 năm (đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2). Điều này cũng hợp lý trong bối cảnh từ ngày 1/10/2023, hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ bị giảm từ 34% xuống còn 30%.

Việc mua lại trái phiếu cũng giúp giảm tỷ trọng danh mục này so với vốn điều lệ các ngân hàng. Các ngân hàng có thể duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức cao, đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.