Ngân hàng có đang thực sự thừa tiền khi doanh nghiệp bất động sản thiếu vốn?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mặc dù rất cần vốn đề hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng do “sức khỏe “ yếu nên ngân hàng đã hạn chế cho vay để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu. Nhưng thực tế, ngân hàng cũng không quá dư thừa nguồn tiền cho vay.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn

Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong nửa đầu tháng 3/2023 tỷ lệ giải ngân vốn cho vay của ngành ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng 1%, bình quân trong 2 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0,4% thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022 – thời điểm mà các hoạt động của nền kinh tế chưa trở lại bình thường, do vẫn phải thực hiện lênh giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19.

Việc ngân hàng luôn đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo để thế chấp mới được vay vốn tín dụng khiến cho nhiều DN gặp khó. Trong khi đó, trải qua hơn 2 năm dịch Covid-19 hầu hết DN, đặc biệt là DN kinh doanh BĐS đã phải dừng tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngay cả những tập đoàn lớn cũng chỉ có thể duy trì mức doanh thu bằng khoảng 30% so với thời điểm trước dịch, còn lại đều trong tình trạng không có doanh thu, dẫn tới phá sản hoặc dừng hoạt động.

Nhiều DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ đã phải đặt toàn bộ tài sản đang có vào những khoản vay trước đó, nên không còn tài sản thế chấp cho khoản vay mới. Ngoài ra, những khoản trái phiếu mà DN phát hành cho khách hàng cũng rơi vào tình trạng khó thanh toán khi không có nguồn tài chính bổ sung mới.

Thị trường BĐS đang thiếu nguồn vốn đầu tư. Ảnh: Doãn Thành
Thị trường BĐS đang thiếu nguồn vốn đầu tư. Ảnh: Doãn Thành

“DN nhỏ và vừa luôn gặp khó khăn, khát vốn, nguyên nhân do thiếu tài sản thế chấp, không có lịch sử hoạt động để chứng minh có lãi, thị phần nhỏ, dễ bị tổn thương. Hiện cả nước có trên 1 triệu DN thì có đến hơn 773.000 DN chưa tiếp cận được tín dụng, chiếm tới 73,4% tổng số DN” - Trưởng Phòng Nghiên cứu phát triển (Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia - CIC) Lê Anh Tuấn cho hay.

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của một số ngân hàng thương mại cho thấy, thực sự các ngân hàng không “thừa” nguồn tiền cho vay như nhiều người đang nghĩ, bởi nguồn tín dụng của ngân hàng phải căn cứ vào tỷ lệ cho vay/tiền gửi. Cụ thể, trong năm 2022 có tới 16 ngân hàng thương mại, tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng vượt hoặc bằng 100%, điều này có nghĩa ngân hàng đang cho vay nhiều hơn cả số tiền gửi của khách hàng.

Thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ cho vay ở nhiều ngân hàng đã gấp gần 0,5 lần số tiền gửi, như: VPBank tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng tới 145,1%, tức ngân hàng đang cho vay ra tới 145,1 đồng trong khi tiền gửi từ khách hàng 100 đồng. Tương tự, SeABank cũng sở hữu tỷ lệ này khá cao với 132,3%, tại Techcombank là 128,7%, VIB là 119,6%, HDBank là 118,6%…

Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) là một trong những thước đo quan trọng được sử dụng trong hoạt động quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng nhằm đánh giá thanh khoản hay khả năng chi trả của một tổ chức tín dụng, tỷ lệ LDR càng cao thì càng giúp ngân hàng tối ưu hóa nguồn huy động vốn.

Tuy nhiên, đi cùng với đó, tính thanh khoản của ngân hàng cũng có thể bị ảnh hưởng, vì khi cho vay quá nhiều, vượt cả nguồn tiền gửi thì khi gặp áp lực thanh toán ngắn hạn gia tăng đột biến, ngân hàng đó có thể sẽ gặp khó khăn.

Cho phép thế chấp bằng hàng tồn kho

Như vậy, nhìn nhận một cách khách quan rằng cộng đồng DN nói chung và DN đầu tư, kinh doanh BĐS nói riêng đang rất “khát” vốn, nhưng hệ thống ngân hàng cũng khó cố sức để cho vay thêm, mặc dù không phủ nhận việc các ngân hàng luôn có quỹ dự trữ, dự phòng tích lũy trong quá trình hoạt động.

Đây chính là nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng càng siết chặt hơn về điều kiện vay vốn và tài sản đảm bảo, trong khi các DN ngày càng lâm vào tình trạng thiếu vốn và hàng hóa thì không tiêu thụ được.

 

Quy định cho phép DN phát hành trái phiếu có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác sẽ giúp gỡ nghẽn cho DN ở thời điểm này, mở ra phương án xử lý câu chuyện trái phiếu. Một số quy định mở về trái phiếu trong Nghị định 08 cũng sẽ giúp DN BĐS đang có khoản nợ trái phiếu không lâm vào cảnh “chết tắc” và thêm thời gian cơ cấu nợ, xây dựng phương án thích hợp để tái cấu trúc lại sản phẩm, đồng thời có lợi cho thị trường, nhà đầu tư, nền kinh tế nói chung. Nhưng điều kiện tiên quyết là cần sự thương thảo giữa hai bên DN và trái chủ.

Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính

Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, hệ thống ngân hàng nên cho phép DN BĐS được thế chấp vay vốn bằng hàng tồn kho, vì muốn giải phóng được hàng tồn kho thì phải tăng sức mua, để DN tiếp tục đầu tư mới. Đặc biệt, hàng tồn kho cũng chính là tài sản của DN, nên về mặt luật pháp việc thế chấp tài sản này hoàn toàn không sai luật.

“Trong hoàn cảnh DN khó khăn về vốn để duy trì sản xuất, khoản vay cũ vẫn chưa trả được thì làm sao có thể đủ điều kiện vay vốn mới. Hàng tồn kho chính là tài sản của DN, nếu Ngân hàng Nhà nước linh hoạt có biện pháp nào đó xử lý thủ tục liên quan, tạo điều kiện cho DN thế chấp để vay mới, sẽ tạo điều kiện rất tốt để DN phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, để làm được điều này thì phía ngân hàng cũng phải có sự phối hợp và chia sẻ một phần lợi ích” – chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Đối với vấn đề liên quan đến trái phiếu DN đến kỳ đáo hạn, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, Nghị định 08/2023/NĐCP đã bổ sung quy định: Trường hợp DN phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, DN có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản.

“Việc cho phép trái chủ thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác như BĐS là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay. Thời gian qua, nhiều DN lựa chọn phương án tái cấu trúc nợ trái phiếu bằng hình thức hoán đổi sang tài sản khác như BĐS. Nếu được nhà đầu tư chấp thuận, đây là hướng giải quyết các khoản nợ trong bối cảnh thị trường trái phiếu trầm lắng, nhiều DN phải "khất nợ" trái phiếu đến hạn thanh toán” – ông Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần