Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng cao

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động kinh doanh tích cực, giá cổ phiếu tăng mạnh là những lý do khiến các ngân hàng tổ chức đại hội đồng cổ đông sớm và đặt ra kế hoạch tăng trưởng ở mức rất cao.

Lãi từ dịch vụ tăng mạnh
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) và Quân đội (MB) đều đặt chỉ tiêu lợi nhuận 2018 cao nhất từ trước tới nay với lần lượt là 10.000, 11.000 và 6.200 tỷ đồng. Top ngân hàng phía sau như HDBank, ACB, LienvietPostbank, VIB Bank… đều đề ra mục tiêu tăng lợi nhuận hai con số, tối thiểu 30%.

Có một sự chuyển động khá tích cực ở cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng, khi thu lãi từ cho vay tăng, trong khi nguồn thu từ dịch vụ cũng tăng đáng kể. Thống kê cho thấy, các ngân hàng có lợi nhuận nghìn tỷ đồng đã có tỷ lệ thu từ phí dịch vụ chiếm tới xấp xỉ 20%.
 Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Techcombank đã lý giải rằng, những chuyển động như vậy đến từ sự chuẩn bị từ rất lâu, từ sự thay đổi trong tư duy ở tâm thế người phục vụ và đồng hành với sự tăng trưởng của DN. Thay vì chỉ cung cấp các khoản vay thông thường, giờ đây ngân hàng thậm chí còn khám sức khỏe, đóng vai trò nhà tư vấn cung cấp giải pháp, gỡ khó cho DN. Như vậy, ngân hàng có thể cung cấp các bộ sản phẩm trọn gói, thu được nhiều từ phí dịch vụ và đặc biệt hiểu rõ để giảm thiểu rủi ro và gia tăng giá trị bền vững cho hai bên.

Và không thể không nhắc đến các hoạt động cộng hưởng của ngân hàng đang đem đến nguồn thu khá lớn chẳng hạn dịch vụ từ bảo hiểm, từ tín dụng tiêu dùng… Đại diện Chubblife, hãng bảo hiểm đến từ Mỹ cho biết, 2017 là năm thành công vượt trội của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với tăng trưởng ước lên tới xấp xỉ 40%.

Còn với tín dụng tiêu dùng, ngay các tân binh như Mcredit cũng không ngờ vượt qua điểm hòa vốn nhanh như vậy, chỉ 6 tháng sau khi bắt đầu hoạt động, tổ chức này đã có lãi và tốc độ tăng trưởng ở mức rất cao. FE Credit, công ty con của VPBank có dư nợ cho vay tới gần 50.000 tỷ đồng, gần 4 triệu lượt khách hàng.

Hạn chế rót vốn vào các thị trường mang tính đầu cơ

Ngay mùa đại hội cổ đông năm nay, một cuộc đua về ngân hàng bán lẻ với mục tiêu gia tăng tỷ trọng nguồn thu từ phí dịch vụ đã bắt đầu. Nếu như trước đây, ngân hàng nào cũng hô hào về mục tiêu tập trung cho bán lẻ thì nay khẩu hiệu trên được chuyển hóa, được đo đếm bằng những chiến lược cụ thể. Đơn cử, Lienviet Post bank đặt mục tiêu tăng trưởng ở mảng bán lẻ hai con số với dư nợ và huy động lên tới 123.500 tỷ đồng và 170.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,3% và 25%, đóng góp tới 50% trong cơ cấu dư nợ toàn ngân hàng.

Bên cạnh việc đa dạng hóa và gia tăng biên lợi nhuận, quá trình xử lý cục máu đông của hệ thống ngân hàng cũng khá tích cực. Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia công bố, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% hồi cuối năm 2016, chủ yếu tập trung tại các nhà băng yếu kém, trong diện tái cơ cấu, các khoản phải thu bên ngoài khó đòi và nợ tái cơ cấu tại một số NHTM còn khá lớn.
Các ngân hàng đã tích cực và xử lý được khoảng 70.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016, chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu DN, các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm.

Dự kiến năm 2018, hoạt động xử lý nợ xấu sẽ diễn ra tích cực và thực chất hơn do các yếu tố vĩ mô ổn định, kinh tế tiếp nối đà tăng trưởng, tình hình DN, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản tiếp tục cải thiện, khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm dần được hoàn thiện.
Những động thái chuyển đổi của hệ thống ngân hàng là tích cực cho nền kinh tế, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là làm gì để hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, đi sâu được vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và hạn chế tối đa việc rót vốn vào các thị trường mang tính đầu cơ. Muốn vậy, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ có giải pháp và sự định hướng kịp thời của các cơ quan quản lý.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực