Vì sao nông dân giữ đất?
Theo GS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội), có 3 lý do khiến người nông dân muốn giữ đất nông nghiệp, dù không canh tác. Đầu tiên phải kể tới là quan niệm truyền thống của người nông dân. Họ coi đất đai là “tấc đất cắm dùi”; chính vì vậy, mỗi người mỗi nhà giữ một mảnh đất, coi như “sổ bảo hiểm” trong sản xuất nông nghiệp.
“Lý do thứ 2 người nông dân muốn giữ đất nông nghiệp là bởi vì đất nông nghiệp vẫn mang lại lợi nhuận. Ví dụ như người ta giữ đất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi thì sẽ nhận được một khoản tiền bồi thường…” – GS.TS Nguyễn Quang Tuyến bày tỏ quan điểm.
Rào cản thứ 3 được GS.TS Nguyễn Quang Tuyến đưa ra là nông dân không muốn góp đất vào doanh nghiệp bởi vì khi doanh nghiệp phá sản thì họ bị mất đất. Trong cơ chế chính sách hiện nay, người nông dân góp đất và góp như thế nào thì chưa rõ, dù trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã đề cập.
Theo nhiều chuyên gia, Luật Đất đai bảo đảm chính sách trực tiếp cho người sản xuất nông nghiệp có đất để canh tác. Chính vì vậy trong Luật Đất đai 2013, không cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa và một số loại đất khác của hộ gia đình, cá nhân.
Việc không cho phép chuyển nhượng đất nông nghiệp có ý nghĩa bảo đảm quyền lợi cho người nông dân, nhưng cũng gây ra những rào cản. Đó là việc khó nâng cao năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp trong điều kiện cạnh tranh hiện nay.
Mô hình hiệu quả tại nhiều quốc gia
Làm thế nào để giải quyết hai mâu thuẫn: Một mặt bảo đảm người nông dân có đất sản xuất, nhưng mặt khác là phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, năng suất cao và bền vững, đang là vấn đề mà Luật Đất đai sửa đổi cần nghiên cứu.
TS Phan Văn Ngọc – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn, cho biết thực tế để giải quyết vấn đề trên, mô hình “Ngân hàng đất nông nghiệp” đã được tính đến và đưa vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đây là sự học hỏi kinh nghiệm từ một số quốc gia đã và đang thực hiện khá hiệu quả như: Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan…
Đơn cử như tại Nhật Bản, từ năm 2014, quốc gia này đã thành lập Tổ chức quản lý trung gian đất nông nghiệp (FIAO) nhằm thúc đẩy hoạt động dồn điền trong nông nghiệp. FIAO thuê đất của nông dân, chủ đất và cho các tổ chức kinh tế thuê lại; đồng thời tập trung vào việc cho thuê mướn đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn và không buộc nông dân phải bán hoặc từ bỏ đất của họ.
Trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có đề cập nội dung: Ngân hàng đất nông nghiệp do Nhà nước thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, tức là người nông dân có đất nhàn rỗi, không canh tác thì cho ngân hàng đất nông nghiệp thuê; ngân hàng lấy đất cho DN thuê lại và trả lãi cho người nông dân. Khi người nông dân cần lấy đất nông nghiệp thì có thể lấy lại.
Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý đồng tình rằng, ngân hàng đất nông nghiệp có thể giúp giải bài toán tích tụ, tập trung đất đai, tránh được tình trạng hiện nay có nhiều tỉnh, TP lách luật. Đơn cử như Hà Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn thuê đất nông nghiệp thì chính quyền đứng ra thuê đất của hộ gia đình, cá nhân, sau đó cho nhà đầu tư vào thực hiện các dự án. Dù vậy, cách làm của Hà Nam hiện nay là không đúng quy định của pháp luật.
Vẫn còn những băn khoăn
Thực tế quá trình tích tụ, tập trung đất đai phải là tự thân, nội tại của phát triển kinh tế, chứ không thể áp đặt hành chính. Khi nền nông nghiệp phát triển ở mức độ hàng hoá, giải quyết được đầu ra cho nông sản thì người dân tự khắc thấy được việc cần thiết phải tích tụ, tập trung đất đai mở rộng sản xuất, chuyển sang “làm ăn lớn”, thay vì giữ đất hoặc canh tác nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay. Nếu áp đặt mà người dân không thấy có ích lợi, không ủng hộ thì cũng khó có thể hiệu quả.
Dù vậy, để xây dựng và vận hành được ngân hàng đất nông nghiệp, vẫn còn đó không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. GS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, vấn đề đặt ra trong dự thảo Luật Đất đai có nói Nhà nước thành lập ngân hàng đất nông nghiệp, nhưng Nhà nước ở đây là ai? Nhà nước ở đây là Ngân hàng Nhà nước hay là Bộ TN&MT, UBND các tỉnh, TP? Đây là vấn đề cần làm rõ trong Luật Đất đai sửa đổi.
Tiếp đến, ngân hàng đất nông nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, vậy nó có chịu sự quy chiếu điều chỉnh của luật các tổ chức tín dụng hay ko? Bởi vì nó là một ngân hàng hay là một doanh nghiệp, nhưng lại không phải mô hình của một ngân hàng thương mại. Đó cũng là vấn đề cần xem xét thấu đáo.
Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý ngân hàng đất nông nghiệp này, là Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, hay Ngân hàng Nhà nước, cũng là vấn đề còn bỏ ngỏ mà các chuyên gia, nhà quản lý quan tâm trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi cũng cần xây dựng được cơ chế hoạt động, làm rõ nội dung về nguồn vốn để ngân hàng đi thuê đất của nông dân. Chỉ khi có được lời giải cho những vấn đề trên, ngân hàng đất nông nghiệp mới có thể bảo đảm vận hành hiệu quả.
“Việc xác định rõ ràng nội hàm khái niệm cùng với chính sách tích tụ đất đai và tập trung đất đai là rất cần thiết trong dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi. Đây được xem là cơ sở quan trọng để làm rõ định hướng quản lý, sử dụng đất đai ở nước ta trong thời gian tới, cũng như thể chế hoá chủ trương của Đảng về chính sách đất đai…”
ThS Bùi Thị Phương Liên, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong