Ngân hàng diễn biến tiêu cực
Mở đầu phiên chiều không có nhiều bất ngờ khi VN-Index tiếp tục trạng thái giằng co biên độ hẹp dưới mốc tham chiếu kéo dài và đóng cửa trong sắc đỏ không mấy tích cực. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,12 điểm (-0,24%), về mức 1.272,02 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của của toàn thị trường đạt gần 12,9 nghìn tỷ đồng.
Về mức độ ảnh hưởng, BID, TCB, MBB và VCB là 4 mã ngân hàng có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 2,1 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, HDB, LPB, FPT và STB là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất và góp vào hơn 2,3 điểm cho VN-Index.
Nhóm ngân hàng ghi nhận mức giảm 0,17%, trong đó BID giảm mạnh 2,3%, MBB giảm 1%, và TCB giảm 0,81%. Tuy nhiên, cổ phiếu HDB lại tăng ngược chiều, vươn lên mức giá trần 36.650 đồng/cp, với thanh khoản đạt 10,5 triệu đơn vị. STB cũng tăng 1,2%, giúp phần nào hạn chế đà giảm của nhóm này.
Ngành bất động sản giảm nhẹ 0,15%, chịu áp lực bán từ nhiều cổ phiếu lớn như KBC (-1,45%), NTL (-1,32%), và SZC (-2,11%). Tuy nhiên, một số mã như HTN (+6,35%) và PDR (+1,94%) thu hút sự chú ý của dòng tiền. NVL và KDH cũng ghi nhận mức tăng 0,98%, tạo động lực tích cực cho nhóm bất động sản.
Nhóm dịch vụ tài chính giảm 0,46%, với một số mã lớn giảm mạnh như EVF (-3,77%), VND (-0,78%) và SSI (-0,56%). Tuy nhiên, cổ phiếu VDS (+1,44%) và HCM (+0,51%) cho thấy dòng tiền có sự phân hóa, tập trung vào các mã có yếu tố hỗ trợ ngắn hạn. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, khi dòng tiền chưa lan tỏa mạnh trên toàn thị trường.
Ngành dầu khí cũng chịu áp lực bán và giảm 0,5% trong phiên. Các cổ phiếu như PLX và OIL giảm lần lượt 0,78% và 0,82%, trong khi PVD và PVB giảm 1,66% và 1,65%. Sự thận trọng của nhà đầu tư trước biến động giá dầu thế giới đã khiến dòng tiền rời xa nhóm này. Mặc dù PVC và BSR duy trì được mức giá tham chiếu, nhưng lực cầu không đủ mạnh để kéo ngành thoát khỏi sắc đỏ.
Ngành tài nguyên cơ bản giảm mạnh nhất với mức giảm 1,22%, chịu áp lực từ các cổ phiếu đầu ngành. KSV giảm sàn, BMC giảm 3,08%, và DLG giảm sâu 4,7%. Các cổ phiếu như HPG, HSG và VGS cũng giảm lần lượt 0,37%, 0,53% và 0,64%.
Ngược lại, nhóm công nghệ thông tin và hàng hóa dịch vụ công nghiệp có diễn biến tích cực. Ngành hàng hóa và dịch vụ công nghiệp tăng 0,51%, được dẫn dắt bởi MVN (+5,11%), PHP (+2,21%), PVP (+3,7%), HAH (+0,5%), PVT (+0,6%) và VTP (+2,6%).
Ngành công nghệ thông tin ghi nhận mức tăng 0,68%, nhờ vào sự hỗ trợ tích cực từ FPT (+0,6%), CMG (+1,13%), SAM (+1,5%), và SGT đóng cửa trong sắc tím.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng giá trị 352 tỷ đồng phiên hôm nay, trong đó khối này giải ngân 1.460 tỷ đồng và bán ra 1.108 tỷ đồng. Những mã bị đẩy bán mạnh nổi bật là TCB 41 tỷ đồng, NLG 34 đồng, VRE 28 tỷ đồng, MWG 28 đồng, VCB 27 tỷ đồng,… Ngược lại, những mã được mua gom chủ yếu STB 155 tỷ đồng, CTG 87 tỷ đồng, PDR 74 tỷ đồng, HDB 64 tỷ đồng, SSI 55 tỷ đồng,…
LBP tiếp tục tăng bất chấp thị trường giảm
Kết phiên 30/12, giá cổ phiếu LPB của Ngân hàng Thương mại CP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) ở mức 31.550 đồng/cp, tăng 1,77% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt gần 3,4 triệu đơn vị, đưa thị giá tiếp tục neo đỉnh lịch sử.
Đà tăng này diễn ra ngay sau khi cổ phiếu LPB được dự báo sẽ vào rổ VN30, nhờ thỏa mãn các điều kiện yêu cầu, trong đó có điều kiện lọt Top 20 vốn hóa thị trường theo quy tắc quản lý bộ chỉ số HoSE-Index 3,1 và số liệu chốt ngày 24/12.
Bên cạnh đó, mới đây ngân hàng này cũng dự kiến phát hành hơn 429,6 triệu cổ phiếu, tỉ lệ phát hành 16,8% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu hiện hữu sẽ nhận thêm 168 cổ phiếu mới). Ngày chốt danh sách đúng vào hôm nay (27/12). Tổng giá trị phát hành tính theo mệnh giá gần 4.296,8 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của LPB dự kiến sẽ tăng lên gần 29.873 tỷ đồng. Đồng thời lọt nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Trước đó, phương án tăng vốn này đã được cổ đông Ngân hàng LPBank thông qua tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 vào ngày 16/11/2024.
Liên quan đến biến động nhân sự tại LPBank, ngân hàng này đã thông báo quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Hoàn - Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Ngân hàng Bán lẻ kể từ ngày 16/12 với thời hạn bổ nhiệm 12 tháng.
Theo thông tin trên website, Ban Điều hành của LPBank bao gồm 6 thành viên với Quyền tổng Giám đốc là ông Vũ Quốc Khánh cùng 4 Phó Tổng Giám đốc và một thành viên Ban Điều hành.
Như vậy, sau quyết định bổ nhiệm này, Ban Điều hành của LPBank sẽ được nâng số lượng lên 7 thành viên.