Ngân hàng dồn dập “bắt tay”với Fintech

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xu hướng phát triển của công nghệ đã đẩy mối liên kết giữa ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính (Fintech) lại gần nhau hơn.

Sự kết hợp này không chỉ mang lại lợi ích cho cả 2 bên, mà còn mang lại lợi ích cho cả khách hàng thông qua việc có thể sử dụng các dịch vụ tài chính hữu hiệu và linh hoạt.

Hợp tác tất yếu

Hiện nay, dịch vụ e-banking của các ngân hàng là tiện ích cộng thêm trên nền tảng tài khoản ngân hàng hiện hữu, gồm mobile-banking, Internet-banking, SMS-banking… Để sử dụng thêm những dịch vụ này, người dùng vẫn cần đến ngân hàng làm thủ tục như bình thường.

Trong khi đó, ngân hàng số là sản phẩm dịch vụ riêng biệt, thường được kết hợp xây dựng giữa Fintech và ngân hàng truyền thống. Khi sử dụng ngân hàng số, người dùng không cần phụ thuộc quá nhiều vào thời gian làm việc của nhân viên ngân hàng truyền thống. Thông qua ứng dụng ngân hàng số, một vài tính năng mới hiện rất được chú ý là “nhắc nhở thanh toán” - gửi yêu cầu thanh toán cho đối tác sau bữa ăn hay sau khi thương vụ mua bán thành công; sử dụng chat-bot (công cụ trả lời tự động) thay nhân viên tư vấn trả lời những câu hỏi cơ bản, lặp đi lặp lại của khách hàng...

Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người với phần lớn là người trẻ, khoảng một nửa dân số được tiếp xúc nhiều với internet và đến 70% sử dụng điện thoại thông minh (smartphone). Đây là những lý do chính khiến Việt Nam là một thị trường Fintech đầy tiềm năng.

Nhân viên VietinBank hướng dẫn khách hàng mua sản phẩm trên gian hàng ảo. Ảnh: Tiến Lâm

Trong giai đoạn từ 2015 - 2017 được xem là giai đoạn bùng nổ của loại hình công ty này với hàng loạt tên tuổi gia nhập và phát triển mạnh trên thị trường như MoMo, Payoo, 123pay, hay mới đây nhất là Finsom. Hiện có trên 40 công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam cùng với các dịch vụ tài chính đa dạng như thanh toán, chuyển tiền, huy động vốn, quản lý tài chính… Ngoài ra, thị trường Fintech Việt Nam còn có một số DN khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn cộng đồng, dịch vụ cho vay trực tuyến… Do đó, câu hỏi của các ngân hàng hiện nay không phải là có nên áp dụng Fintech hay không mà nên sử dụng Fintech như thế nào để có thể tiếp cận được với khách hàng.

Lợi ích rõ ràng

NHTM CP Quân đội (MB Bank) vừa bắt tay với Startup Fintech, tạo ra công nghệ cho phép người dùng thực hiện giao dịch ngay trong ứng dụng Messenger của Facebook. Ngân hàng này kỳ vọng, sẽ có nhiều quy định pháp lý cụ thể để ngân hàng có thể tiếp tục mở rộng hợp tác với Fintech. Ông Võ Tấn Long - Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng số VPBank khi nói về sự hợp tác với công ty Fintech Timo cho biết: “VPBank hợp tác với Timo đem lại cho khách hàng sự trải nghiệm với giải pháp và phần mềm đơn giản nhất. Điều này tạo sự thuận tiện cho khách hàng trong giao dịch”. Cú bắt tay gần đây của NAPAS với ALIPAY hay của nhiều ngân hàng lớn với công ty Fintech thể hiện cơ hội phát triển dịch vụ tài chính mạnh mẽ ở Việt Nam.

Các ngân hàng nhìn thấy lợi ích rõ ràng là được hỗ trợ công nghệ hiện đại và giải pháp mới để đưa sản phẩm ra thị trường, còn các DN Fintech có cơ hội tranh thủ nền tảng tài chính mạnh mẽ của các ngân hàng, mạng lưới khách hàng, nguồn nhân lực và kinh nghiệm bộ máy, kiểm soát tuân thủ để nắm bắt và đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của người tiêu dùng. Xét cho cùng, khi các bên đều có thiện chí bắt tay với nhau thì tính cạnh tranh của từng DN được nâng cao, cả hệ thống phát triển, khách hàng được lợi. Tuy nhiên, hạ tầng quốc gia, hệ thống pháp lý và hệ sinh thái Fintech là 3 trụ cột cần củng cố để thúc đẩy Fintech phát triển mạnh trong thời gian tới.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian tới, NHNN tập trung xây dựng bảo đảm sự phát triển lành mạnh, hài hòa của hệ thống ngân hàng, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các DN Fintech, phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ. NHNN có kế hoạch nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý theo khuôn khổ pháp lý thử nghiệm, phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức trong thời gian tới.