Đứng trước áp lực thu hút vốn, chuẩn bị nguồn vốn dồi dào trong những tháng cuối năm khi nhu cầu vay của DN tăng mạnh, nhiều ngân hàng (NH) đã tiến hành tăng lãi suất huy động. Một số NH đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi đến 2 lần/tuần với biên độ khoảng 0,5%.
Lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng
Cách đây vài ngày, NH Thương mại cổ phần (NHTMCP) Đông Á (DongABank) đã công bố biểu lãi suất mới tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn, mức tăng dao động trong khoảng 0,1 - 0,5%. Đây là lần thứ hai, DongABank điều chỉnh tăng lãi suất huy động sau khi bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát đặc biệt (ngày 14/8/2015).
Cụ thể, DongABank điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi VND mạnh nhất ở kỳ hạn 6 tháng với mức 0,5%/năm, nâng lãi suất huy động kỳ hạn này lên mức 6%/năm, cao hơn mức lãi suất mà các NH trong khối NHTMCP từ 0,3 - 0,5%. Các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên cũng được DongABank điều chỉnh tăng 0,4%/năm, riêng kỳ hạn 36 tháng điều chỉnh tăng 0,2%/năm. Hiện, lãi suất huy động kỳ hạn dài tại NH này ở mức 7,0%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, 7,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,2%/năm cho các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Nhằm thu hút tiền gửi trong những tháng cuối năm, nhiều NHTM đã tăng lãi suất VND với mức từ 0,2% - 0,5%/năm trong những ngày vừa qua, như: Viet CapitalBank, Sacombank, Techcombank, Eximbank, SCB, ACB… Cá biệt có NH đã tăng 2 lần lãi suất huy động như Viet Capital Bank sau đợt tăng lãi suất 0,2%/năm cho tiền gửi VND các kỳ hạn dài trên 6 tháng vào ngày 21/10, ngày 28/10 tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 0,2% cho các kỳ hạn 3 - 5 tháng với lãi suất tăng lên 5,4%/năm.
Theo Tổng Giám đốc một NHTMCP, thời điểm này, nhu cầu vay của DN đang tăng lên. Vì vậy, NH đã tăng lãi suất huy động để có thêm nguồn vốn phục vụ cho vay. Mặt khác, sắp tới có thể NHNN sẽ nới chỉ tiêu tín dụng (room) thêm cho một số NH nên hiện các NH muốn huy động vốn để chuẩn bị.
Cuộc đua của các ngân hàng nhỏ
Việc các NH điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm là thông tin đáng mừng với những người có nguồn tiền nhàn rỗi, làm tăng tính hấp dẫn kênh huy động vốn của NH, song đó lại là nỗi lo của những người đi vay, bởi thông thường lãi suất huy động tăng sẽ kéo lãi suất cho vay đi lên. Theo kiến nghị của Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất cho vay khó có thể giảm được, nhưng phải xử lý không để tiếp tục tăng trong giai đoạn tới.
Các chuyên gia phân tích, lãi suất huy động tăng cao nhưng lãi suất cho vay tăng mạnh rất khó xảy ra do cuộc đua tăng lãi suất huy động chủ yếu diễn ra giữa các NH nhỏ, trong khi lạm phát vẫn đang ở mức thấp và áp lực cạnh tranh thị trường giữa các NH hiện đang rất lớn. “Nếu quan sát kỹ sẽ thấy việc tăng lãi suất chỉ diễn ra ở một số NHTM CP. Còn các NH lớn, đặc biệt nhóm NH quốc doanh, gần như không tăng và mặt bằng lãi cho vay thời gian tới sẽ phân hóa rất lớn” - ông Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính NH nhận định.
Thực tế, quan sát trên thị trường, lãi suất cho vay phụ thuộc vào khả năng cân đối của từng NH, bên cạnh đó còn dựa vào “sức khỏe” DN, vào tính khả thi của dự án, vào tài sản thế chấp.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay với DN tại các NH dao động từ 7 - 10%/năm, mức lãi suất 7%/năm áp dụng cho khách hàng VIP, với khách hàng thông thường dao động 8 - 8,5 %/năm. Nếu là DN lớn, có độ tín nhiệm cao, không vướng nợ xấu, dự án khả thi, tài sản thế chấp tốt, sử dụng nhiều dịch vụ của NH... thì lãi suất cho vay sẽ chỉ khoảng 6,5 - 7%/năm. Tuy nhiên, có những DN phải vay với lãi suất đến 10%/năm, thậm chí là hơn.
Giao dịch tín dụng tại chi nhánh SeABank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
|