Ngân hàng đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vực dậy sau bão

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn bão số 3 (Yagi) làm thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Ngành ngân hàng đang nỗ lực kịp thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh.

Lùi thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng sau bão số 3

Bà Ngô Thị Thuý (khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết gia đình đầu tư 60 ô nuôi cá tại Cẩm Phả, 45 ô cá tại bến Giang, mỗi ô có khoảng 500 con. Qua một đêm bão, những gì còn lại chỉ là ít cá con giữ được tại lồng, thiệt hại lên tới 12 tỷ đồng. Hiện hộ gia đình còn vay nợ Ngân hàng Agribank 4 tỷ đồng để đầu tư vào bè cá. Bà Thuý cho biết, gia đình chỉ mong được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để có thể phục hồi sản xuất.

“Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng”, bà Thuý nói.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cùng đoàn công tác thăm và động viên một số hộ dân nuôi trồng thuỷ sản tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cùng đoàn công tác thăm và động viên một số hộ dân nuôi trồng thuỷ sản tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3

Ông Vũ Văn Cường, Khu 3 Tân An, thị xã Quảng Yên 3 bè cá của gia đình bị cuốn trôi thiệt hại gần 14 tỷ đồng, có những nhà bên cạnh thiệt hại 20, 30 tỷ đồng. “Nếu giờ ngân hàng siết nợ, chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Chỉ mong ngân hàng thương mà hoãn nợ, giãn nợ cho bà con, cho bà con vay tiền để làm lại”, ông Cường bày tỏ.

Những hoàn cảnh tương tự như ông Cường, bà Thuý có rất nhiều tại các tỉnh, thành miền Bắc và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Không chỉ mất mát về tài sản bị lũ cuốn trôi, nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp còn đang phải đối mặt với gánh nặng nợ ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá, nhiều khách hàng, doanh nghiệp thiệt hại mà không có khả năng trả nợ và gần như mất trắng tài sản, không có nguồn nào bù đắp. Đây là vấn đề lớn đặt ra với các cấp, các ngành, đặc biệt với ngành ngân hàng.

“Cần có những chính sách đảm bảo kịp thời, phù hợp và giải quyết ngay những nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài, góp phần ổn định cuộc sống cũng như khắc phục hậu quả do bão để lại”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo.

Trước đó, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh các tỉnh, TP: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang thực hiện ngay một số giải pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3.

Theo đó, các TCTD chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành...

NHNN chi nhánh các tỉnh, TP chỉ đạo các TCTD trên địa bàn khẩn trương triển khai hỗ trợ khách hàng để góp phần khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Trước tình hình thiệt hại của người dân, doanh nghiệp, các ngân hàng đã thành lập các đoàn công tác đi thực tế các địa phương bị thiệt hại nắm bắt tình hình, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Ngân hàng lớn, nhỏ đồng loạt dành nguồn lực hỗ trợ

Theo Phó Tổng giám đốc Vietcombank Lê Hoàng Tùng, ước tính sơ bộ có gần 6.000 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng. Riêng tại Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.

Để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Vietcombank đã xem xét giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ ngày 6/9-31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng. Số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng.

Phó Tổng giám đốc VietinBank, ông Lê Duy Hải chia sẻ, riêng tại VietinBank, thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng.

“Ngân hàng sẽ đánh giá tổng thể thiệt hại với các khách hàng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, VietinBank sẽ nhanh chóng đẩy nhanh công tác đền bù”, ông Lê Duy Hải nói.

Theo ông Lê Trung Thành, Phó Tổng giám đốc BIDV, việc cập nhật thông tin để đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng tại Quảng Ninh và Hải Phòng được ngân hàng coi là nhiệm vụ cấp bách, cần được ưu tiên. BIDV sẽ đánh giá từng trường hợp khách hàng để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi,...

Là ngân hàng chủ lực cho vay nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã chỉ đạo Công ty Bảo hiểm ABIC khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng; đồng thời thành lập các đoàn công tác để đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ... Từ đó, triển khai các biện pháp, cơ cấu đối với dư nợ cho vay, dư nợ bị ảnh hưởng, giảm lãi suất, cho vay mới, khẩn trương hỗ trợ khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh.

Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết, theo số liệu thống kê ban đầu, Agribank có khoảng hơn 12.000 khách hàng với dư nợ khoảng 21.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão. Với một số địa phương bị mất điện, giao thông bị chia cắt chưa liên lạc được nên ngân hàng vẫn đang tiếp tục thống kê con số thiệt hại.

“Agribank đang tính toán mức độ thiệt hại của khách hàng để có giải pháp phù hợp. Vì thực tế, có khách hàng bị thiệt hại toàn bộ, có khách hàng bị thiệt hại một phần… Agribank đang dự kiến ngay tuần sau ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, lũ lụt sau bão với mức độ từ 0,5-2%/năm so với lãi suất đang áp dụng với khách hàng”, bà Phùng Thị Bình nói.

Ở khối NHTMCP cũng tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ khách hàng tại tất cả các tỉnh TP đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái… Mới đây nhất, TPBank triển khai Chương trình Hỗ trợ khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng do bão, lũ gây ra bởi cơn bão Yagi. Theo đó, bên cạnh giảm tối đa 50% số tiền lãi khách hàng phải trả hiện tại, ngân hàng sẽ giữ cố định mức lãi suất giảm này đến muộn nhất là ngày 31/1/2025. Chương trình áp dụng từ nay đến hết tháng 10, với hạn mức lên tới 2.000 tỷ đồng.

VPBank cũng vừa quyết định triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng do bão Yagi. Cụ thể, VPBank sẽ giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả các khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng và có tài sản bảo đảm. Với các khoản vay trung và dài hạn sẽ được VPBank giảm 1%/năm lãi suất, các khoản vay ngắn hạn được giảm 0,5%/năm lãi suất. Chương trình hỗ trợ lãi suất của VPBank được triển khai từ 13/9 đến hết 31/12/2024. Trước đó, MSB thông báo giảm 1%/năm lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.

Hiện các ngân hàng đang tiếp tục cập nhật, tổng hợp các thông tin về thiệt hại của khách hàng. NHNN yêu các các ngân hàng chủ động liên hệ khách hàng vay vốn, nắm bắt thiệt hại để kịp thời có các giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng lưu ý ngay sau bão, các ngân hàng thương mại cần cho vay tiêu dùng để người dân có nguồn kinh phí mua sắm những đồ dùng, trang thiết bị cần thiết cho cuộc sống.

NHNN cũng đề nghị các TCTD thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão này. Tại lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3, ngày 10/9, ngành ngân hàng ủng hộ 38,4 tỷ đồng. Số tiền ủng hộ của ngành ngân hàng vẫn đang tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.