Ngân hàng ''gồng mình'' bù lỗ hàng trăm tỷ vì nhà mạng thu cước tin nhắn cao

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chi phí dịch vụ tin nhắn viễn thông đối với giao dịch của các ngân hàng còn quá cao. Để nỗ lực miễn giảm phí cho khách hàng, các ngân hàng phải gồng mình gánh hàng loạt phí.

Cước tin nhắn cao gấp 3 lần thông thường

Thông thường, phí SMS banking được ngân hàng thu của khách hàng phổ biến 5.500 - 8.800 đồng/tháng. Một vài ngân hàng thu 11.000 đồng/tháng.

 Giá cước tin nhắn mà các DN viễn thông đang áp dụng đối với ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường

Ngân hàng cho rằng, giao dịch ngân hàng đều sử dụng dịch vụ viễn thông với các loại tin nhắn như xác thực khách hàng (OTP), thông báo biến động số dư tài khoản khách hàng, cảnh báo giao dịch lừa đảo, gian lận, thay đổi dịch vụ… Cụ thể, MobiFone và VinaPhone áp 820 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng. Viettel áp 500 đồng/1 tin nhắn (không phân biệt loại tin nhắn). Từ năm 2019, Viettel đã nâng mức giá cước lên 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính. Vietnammobile áp dụng 280 - 400 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng.

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đã áp dụng miễn, giảm phí giao dịch cho khách hàng. Nhiều ngân hàng còn áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền, phí SMS banking, phí phát hành thẻ, phí rút tiền ATM... nên ngân hàng đều phải bù lỗ khi chi trả phí dịch vụ tin nhắn viễn thông.

Thông thường, mỗi giao dịch chuyển tiền/thanh toán ngân hàng đều phải gửi ít nhất 2 tin nhắn cho khách hàng. Với những ngân hàng miễn phí, hiện một giao dịch thanh toán ngân hàng phải chi trả và chịu lỗ chi phí tin nhắn bình quân 1.640 đồng/giao dịch. Bình quân mỗi khách hàng có 15 - 20 giao dịch/tháng, tương đương 25 - 30 tin nhắn/tháng với chi phí khoảng 20.000 - 25.000 đồng/tháng.

Trong khi giá cước tin nhắn mà các DN viễn thông đang áp dụng đối với ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. ''Hàng tháng, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 9 - 11 triệu tin nhắn với số tiền phải trả cho DN viễn thông từ 7,5 - 9 tỷ đồng" - Đại diện Hiệp hội Ngân hàng dẫn chứng.

Với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, như Vietibank, mỗi năm chi trả cho các nhà mạng phí SMS khoảng 200 tỷ đồng, ở BIDV là 400 tỷ đồng, Vietcombank ước 400 tỷ, còn Agribank trên 300 tỷ đồng. 

Cần sự chung tay của các bên

Nhiều lần Hiệp hội Ngân hàng đề nghị các DN viễn thông giảm giá cước tin nhắn dịch vụ, ngân hàng xuống bằng giá cước tin nhắn thông thường hoặc bằng 50% giá cước tin nhắn hiện nay (khoảng 250 - 300 đồng/tin nhắn là hợp lý). Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã có ý kiến yêu cầu nhà mạng cân đối, xem xét lại giá cước tin. 

Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà mạng cho hay, cần phải xem xét mức phí mà khách hàng phải trả cho ngân hàng và số tiền mà ngân hàng trả tiền cước tin nhắn cho các nhà mạng ra sao. Trên cơ sở các thực tế và số liệu rõ ràng của tất cả các bên, việc cước tin nhắn của các ngân hàng có điều chỉnh hay không cần phải xem xét cụ thể.

Dịch Covid-19 kéo dài, đến nay các ngân hàng đều miễn, giảm mọi loại phí chia sẻ khốn khó với khách hàng. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020, hiện có 100% thành viên Hiệp hội miễn, giảm phí thanh toán cho khách hàng, nhiều loại phí giảm tới 75% - 100%. Tuy nhiên, phí đầu vào (ngân hàng trả nhà mạng khi sử dụng dịch vụ SMS trên điện thoại) thì không được giảm.

Để giảm áp lực chi phí tin nhắn SMS, các ngân hàng đã chuyển sang nền tảng giao dịch trực tuyến cho khách hàng. Tiện ích này miễn phí cho khách hàng nhưng nhưng phải kết nối 3G trở lên thay vì SMS. Vietinbank cho biết, có khoảng 30% - 40% khách hàng VietinBank đã dùng OTT nhưng một phần rất lớn vẫn chưa quen.

Còn tại Agribank là có tới 70% khách hàng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, sử dụng dịch vụ mobile banking. Con số trên liên quan tới nhiều nguyên nhân như: Khu vực dân cư chưa phủ sóng 3G, 4G, chưa cung cấp hạ tầng wife, hoặc người già, thu nhập thấp, người ít tiếp xúc công nghệ.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Khi các ngân hàng Việt Nam đã thực hiện miễn, giảm phí, thì không có lý gì mà các nhà mạng không miễn, giảm phí. Để  thúc đẩy được thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ người dân, DN được nhiều hơn rất cần sự vào cuộc tích cực của các nhà mạng”.

Ngoài cước phí tin nhắn thì các ngân hàng tại Việt Nam đang phải chịu gánh nặng phí của các tổ chức thẻ quốc tế như Visa và Mastercard. Đơn cử, với một giao dịch thẻ, Visa và Mastercard có thể thu các loại phí như: Phí cấp phép (authorization), phí thanh toán (settlement), phí thương hiệu, phí chi tiêu trong/ngoài Việt Nam, phí dịch vụ… và nhiều loại phí khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần