Tuy nhiên, quyết định này cũng khiến các ngân hàng đau đầu tìm cách co kéo để vừa đảm bảo trích lập đủ theo quy định, vừa giảm được lãi suất cho vay, lại cân đối được lợi nhuận.
“Nợ đẹp” rơi vào nhóm “nợ xấu”
Theo Thông tư 02, tài sản có rủi ro không chỉ là các khoản cho vay đơn thuần như hiện nay, mà được xét đến bản chất tín dụng ở nhiều khoản khác để buộc phải trích lập dự phòng rủi ro. Nhiều khoản nợ được coi là "an toàn" trước đây sẽ bị xếp vào danh sách nợ xấu. Cụ thể, các khoản mua và ủy thác mua trái phiếu chưa niêm yết đã chính thức được đưa vào diện phải trích lập dự phòng. Cùng với đó, các khoản ủy thác cấp tín dụng; tiền gửi trên liên ngân hàng (trừ tiền gửi thanh toán) và cả khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng quy định phân loại đối với những tài sản có vi phạm vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn; yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng theo định kỳ hoặc khi cần…
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh của VIB.Ảnh: Trần Việt
Đây được coi là động thái quyết liệt của NHNN trước bài toán nan giải của thị trường tiền tệ năm 2013 là xử lý nợ xấu. Với việc tăng trích lập dự phòng rủi ro, các ngân hàng sẽ có thêm nguồn tiền để xử lý nợ xấu. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các giao dịch vay mượn, đầu tư kể cả trái phiếu, tín phiếu đều có những rủi ro nên phải được trích lập dự phòng. Đây cũng là chuẩn mực mà quốc tế đang áp dụng. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý, việc gia tăng trích lập dự phòng, báo cáo nợ xấu theo quy định mới có thể làm cho các ngân hàng bị giảm lợi nhuận. Từ đó, mục tiêu giảm lãi suất của NHNN khó thực hiện do các ngân hàng tìm cách duy trì lãi suất cho vay cao để bù đắp khoản lợi nhuận bị hụt. Do đó, NHNN cần lưu ý sử dụng các công cụ để ổn định thanh khoản, không cho các ngân hàng tăng lãi suất.
Dự phòng “cản đường” tăng trưởng tín dụng?
Thông tư 02 ra đời đã khiến nợ xấu có thêm nguồn để xử lý. Ngược lại, ngân hàng sẽ phải tăng thêm chi phí khi số tiền bỏ ra để trích lập dự phòng sẽ lớn hơn. Tại buổi triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013 trên địa bàn Hà Nội tuần qua, đại diện nhiều ngân hàng đã cho rằng, quy định mới sẽ khiến tăng trưởng tín dụng thời gian tới có nguy cơ bị "tắc".
Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc BIDV Hà Nội cho rằng, năm 2012 và dự báo năm 2013, tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ rất khó khăn. Mới đây, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), yêu cầu các ngân hàng phải cơ cấu lại nợ, giãn nợ, tạo mọi điều kiện cho DN tiếp cận vốn mới. Tuy nhiên, theo quy định mới đây của NHNN về phân loại lại nợ xấu, việc thực hiện yêu cầu theo Nghị quyết trên là rất khó khăn. Chính phủ vừa yêu cầu các ngân hàng cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giúp DN tiếp cận vốn. Nhưng nếu áp dụng quy định mới, các khoản nợ xấu phải trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể. Còn các DN, dù mới được cơ cấu lại nợ, nhưng họ có khả năng lại bị rơi vào nhóm nợ xấu, không được cấp tín dụng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngân hàng, mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Vì vậy, NHNN cần tính toán kỹ các hệ lụy liên quan, đưa ra lộ trình hợp lý áp dụng Thông tư 02” - ông Dũng phân tích.
Đại diện nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, họ rất khó khăn trong phân loại nợ, phân loại khách hàng do không nắm bắt được “sức khỏe” chính xác của DN. Do đó, bên cạnh việc đưa ra quy định mới về phân loại nợ, NHNN và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ cung cấp thông tin về DN, nhằm phân loại đúng nợ xấu, phân loại đúng sức khỏe DN, qua đó làm căn cứ cấp tín dụng.
Về phía NHNN, ông Nguyễn Đăng Hồng, Phó Chánh thanh tra NHNN cho biết, trên thực tế, Thanh tra NHNN từng phát hiện cùng một đối tượng nợ, song nhiều chi nhánh ngân hàng lại phân loại nợ ở một mức khác nhau. Chính vì vậy, việc ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN là nhằm điều chỉnh việc phân loại nợ sát thực tế hơn, về lâu dài giúp giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, tăng hiệu quả hoạt động của DN.