Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng “lách” luật, tăng lãi suất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bảng niêm yết chỉ công khai tăng lãi suất kỳ hạn dài theo đúng quy định, tuy nhiên, nếu khách hàng mặc cả, ngân hàng vẫn sẵn sàng tăng lãi suất kỳ hạn ngắn vượt "trần" 9%. Không những vậy, nhiều chiêu "lách" trần đang được các ngân hàng áp dụng.

Tái diễn “vượt trần”

Ngày 18/10, gọi điện tham khảo lãi suất tại một ngân hàng trên Đường Láng, chị Hà ở quận Cầu Giấy được một nhân viên cho biết, với khoản tiền 200 triệu đồng, chị sẽ được hưởng lãi suất 12,5%, kỳ hạn gửi từ 1 - 3 tháng. Nhân viên ngân hàng này cho biết thêm, mức lãi suất huy động tùy vào khách hàng, số lượng tiền gửi và có thể thay đổi theo ngày.

Tại một phòng giao dịch ở phố Láng Hạ, khi chúng tôi hỏi xem lãi suất có thể trên 9%/năm không, nhân viên ở đây trả lời: "Chị cứ mang tiền đến ngân hàng. Tùy vào số lượng tiền, bọn em sẽ có chính sách lãi suất hợp lý".

Bà Trần Chung (Kim Giang, Thanh Xuân) - người vừa gửi tiền tiết kiệm bật mí: "Nếu biết mặc cả, khả năng được hưởng lãi suất cao sẽ rất lớn. Nếu khách hàng không thắc mắc gì, ngân hàng sẽ "mặc định" mở sổ theo đúng lãi suất niêm yết. Nhưng nếu biết hỏi han hoặc "mặc cả", một số ngân hàng sẽ căn cứ vào số tiền gửi, kỳ hạn gửi, để đưa ra mức lãi suất hợp lý".

Ngân hàng “lách” luật, tăng lãi suất - Ảnh 1

Thời gian gần đây, cuộc đua tăng lãi suất kỳ hạn cũng trở  nên quyết liệt hơn.

 Bên cạnh các chiêu lách trần lãi suất, thời gian gần đây, cuộc đua tăng lãi suất kỳ hạn dài cũng trở nên quyết liệt hơn. Nhiều "ông lớn" đã bắt đầu nhập cuộc. Tại Sacombank, ACB, lãi suất kỳ hạn 13 tháng lên đến 13%/năm. Cũng kỳ hạn này, tại Eximbank, lãi suất ở mức 12,8%/năm. Một số ngân hàng khác lại "lách" quy định bằng các sản phẩm "siêu linh hoạt", sổ tiết kiệm lãi suất kỳ hạn dài nhưng cho khách hàng có thể rút trước hạn.

Cơ quan quản lý lúng túng?

Tính đến 20/9, tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 2,35% trong khi tăng trưởng huy động đến 31/8 là 11,23%. Tín dụng tăng chậm trong khi huy động tốt, tại sao ngân hàng vẫn "sốt sắng" tăng lãi suất?

Từ thực tế này, không loại trừ khả năng, một số ngân hàng khó khăn về thanh khoản. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian gần đây, việc vượt trần lãi suất được nhắc đến khá nhiều nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa có ý kiến gì. Điều này cho thấy, có vẻ như cơ quan điều hành tiền tệ đang lúng túng trong việc đưa ra các biện pháp nhằm chấn chỉnh trật tự thị trường tiền tệ.

Vậy, cơ quan quản lý cần phải ứng xử như thế nào với hiện tượng "vượt trần"? Cho sáp nhập những ngân hàng yếu kém hay hỗ trợ thanh khoản với những ngân hàng "có vấn đề" này? Đó là những câu hỏi đang được dư luận đặt ra.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, việc xử lý các hiện tượng này đã nằm trong các quy định quản lý ngân hàng và các tổ chức tín dụng. NHNN phải dựa vào báo cáo của các ngân hàng thương mại cũng như việc thanh tra giám sát để nắm được tình hình và có những ứng xử phù hợp. Việc phân loại các ngân hàng theo từng nhóm cũng từng được cơ quan điều hành tiền tệ đề cập đến. Nhóm nào thanh khoản yếu kém quá nên đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc buộc phải sáp nhập.

Bên cạnh đó, NHNN cũng cần thực hiện hỗ trợ thanh khoản như sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, cơ cấu lại nợ… để hỗ trợ các ngân hàng khó khăn tạm thời nhưng còn tiềm năng phát triển.

Theo Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (thay thế Nghị định 202), dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, ngân hàng không niêm yết lãi suất huy động, phí cung ứng dịch vụ sẽ bị phạt 50 - 100 triệu đồng, huy động vốn với lãi suất cao hơn quy định, mức phạt có thể lên tới 1 tỷ đồng. Trong hoạt động cho vay, những hành vi như cấp tín dụng với khách hàng không đủ điều kiện, vi phạm giới hạn cho vay... có thể bị phạt 600 triệu - 1,2 tỷ đồng.