Ngân hàng liên tiếp “khoe” lợi nhuận quý I/2022

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhteodothi - Bên cạnh “bầu sữa ngọt” tăng trưởng tín dụng và ngân hàng số, thu nhập từ dịch vụ vẫn là nguồn thu lớn của ngân hàng. Minh chứng rõ nét nhất khi những con số lợi nhuận lên đến chục nghìn tỷ đồng trong quý I/2022 được nhiều ngân hàng công bố mới đây.

Nhiều khoản thu bất thường đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận

Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho thấy, kết thúc quý I/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 11.146 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021 và dẫn đầu ngành về tốc độ tăng trưởng trong quý I/2022.

Từ 2016, trung bình lợi nhuận quý I chiếm 23% lợi nhuận cả năm, trong khi đó chỉ riêng trong quý I/2022 lợi nhuận trước thuế thực tế đã đạt 37% kế hoạch năm 2022 đang trình Đại hội đồng cổ đông. Đây là bước chạy đà hoàn hảo để ngân hàng đạt mục tiêu tham vọng đã đề ra.

Khách hàng giao dịch tại VPBank. Ảnh: Phạm Hùng
Khách hàng giao dịch tại VPBank. Ảnh: Phạm Hùng

Đáng chú ý, sau thời gian chững lại vì Covid-19, mảng tài chính tiêu dùng của công ty thành viên FECredit đã bước đầu phục hồi và có những tăng trưởng tích cực. Với thế mạnh tiên phong và dẫn đầu trong thị trường tài chính tiêu dùng cùng với chiến lược linh hoạt và nền tảng số hóa toàn diện, năm 2022 là cơ hội để FE chuyển mình và bứt phá trong thời gian tới.

Một ngân hàng khác cũng có kết quả kinh doanh quý I khiến nhiều DN phải “ngước nhìn” là Techcombank. Quý I/2022, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 6.800 tỷ đồng (tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước). Tổng thu nhập hoạt động tăng 13,2% so với cùng kỳ, đạt 10.100 tỷ đồng, tiếp tục vị thế đầu ngành về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lần lượt đạt mức 50,4% và 3,6%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II vững mạnh, đạt 15,1%.

Quý 1/2022 cũng chứng kiến sự bứt phá của nhiều ngân hàng. Đơn cử, với mức lợi nhuận trước thuế đạt 3.227 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2021, SHB đã bước chân vào top 5 ngân hàng TMCP tư nhân có lợi nhuận cao nhất quý I. Kết thúc quý I/2022, tổng tài sản của SHB đạt 515.553 tỷ đồng, tăng 1,8% so với đầu năm; huy động vốn thị trường 1 đạt 388.116 tỷ đồng, tăng 2,6%; dư nợ cấp tín dụng đạt 388,196 tỷ đồng, tăng 5,3%. Các chỉ tiêu tài chính cơ bản của SHB đều tăng cao so với cùng kỳ đã đưa tổng thu nhập lãi thuần quý I/2022 của SHB đạt 4.223 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ, trong đó lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệu quả của sự đầu tư mạnh mẽ vào số hóa, thu từ dịch vụ và một số khoản thu bất thường là những nguồn kéo doanh thu các ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I, bên cạnh “bầu sữa ngọt” tín dụng truyền thống.

Đơn cử tại VPBank, kết quả kinh doanh cốt lõi đáng khích lệ với tăng trưởng toàn diện từ thu nhập lãi và ngoài lãi bên cạnh khoản phí liên kết bảo hiểm - ngân hàng (bancassurance) kỷ lục. Thu nhập thuần từ lãi hợp nhất đạt 9.888 tỷ đồng, tăng trưởng 8,4% so với cùng kỳ, trong khi đó thu nhập ngoài lãi đạt 8.381 tỷ đồng, cao hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhờ khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa VPBank và AIA Việt Nam.

Đáng chú ý, tệp khách hàng khổng lồ đang được mở rộng nhờ nền tảng số hóa vượt trội. Tính đến hiện tại, tổng số khách hàng VPBank (cả ngân hàng mẹ và các công ty con) đã cán mốc gần 20 triệu khách hàng. Số lượng khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ qua kênh số hóa trong quý I/2022 đạt 90%, tăng 13% so với thời điểm cuối năm 2021.

Thêm những kế hoạch đầy tham vọng

Với các nền tảng đã xây dựng, nhiều kế hoạch đầy tham vọng đã được ngân hàng đặt ra trong năm 2022. Đặc biệt, nhiều trụ cột để thực hiện chiến lược này được tính toán rõ ràng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Đại hội đồng cổ đông VPBank mới đây, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng đã thông tin về kế hoạch, dự kiến từ năm sau sẽ trình Đại hội đại cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm. Kế hoạch này đã khiến không ít nhà đầu tư trầm trồ trong bối cảnh các ngân hàng đều muốn giữ lại cổ tức để tăng tiềm lực cho ngân hàng. Năm 2022, VPBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế “khủng” ngấp nghé 30.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo VPBank tự tin với những mục tiêu này và cho rằng các chỉ tiêu tăng trưởng đã được tính toán dựa trên nhu cầu và năng lực của ngân hàng. Trong quý I/2022, lợi nhuận VPBank đã lên tới 11.000 tỷ đồng. 

"Lợi nhuận quý I tăng mạnh là nhờ có khoản thu bất thường từ khoản phí trả trước bảo hiểm của AIA, song kết quả kinh doanh cốt lõi của ngân hàng vẫn tăng trưởng rất tốt"- lãnh đạo VPBank khẳng định.

Năm 2022, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng trên 12%, vốn điều lệ tăng trưởng 37% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế dự kiến tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%; dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%. Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, SHB sẽ tập trung quyết liệt thực hiện 4 trụ cột chiến lược để phát triển.

Bốn trụ cột đó bao gồm: Cải cách thể chế, cơ chế; Kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự; Lấy khách hàng làm trọng tâm; Nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Về thể chế, cơ chế, SHB sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ máy quản trị điều hành phù hợp với môi trường kinh doanh, mô hình kinh doanh, thị trường và khách hàng, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, phát triển an toàn, bền vững.

 

Năm 2022, ngoài việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh doanh, chỉ tiêu kinh doanh do Đại hội đồng cổ đông đề ra, SHB sẽ tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại nhằm khai thông mọi nguồn lực cho phát triển, gia tăng lợi ích tối đa cho cổ đông và khách hàng, phấn đấu đưa SHB trở thành ngân hàng hoạt động hiệu quả trên thị trường.

Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển

Về tổ chức bộ máy và nhân sự, SHB sẽ đặc biệt chú trọng đến tuyển dụng các nhân tố mới, xây dựng chế độ đãi ngộ, đào tạo, thay đổi quy chế, quy trình tuyển dụng cũng như xem xét, quyết định đến toàn bộ thu nhập của người lao động, gắn với thị trường và kết quả kinh doanh.

Với triết lý “Lấy khách hàng làm trọng tâm”, SHB sẽ đặc biệt đầu tư cho phát triển thị trường và khách hàng, xây dựng cơ chế kinh doanh, cơ chế vận hành kinh doanh gắn với thị trường và khách hàng. Về công nghệ và phát triển công nghệ, SHB sẽ đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, xứng tầm với nhu cầu cần thiết để chuyển đổi số và số hóa.