70 năm giải phóng Thủ đô

Ngân hàng lợi nhuận khủng, vì sao?

TS. Phan Văn Thường (Đại học Quốc tế Hồng Bàng)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tục nhiều năm nay lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng cao với đơn vị tính nghìn tỷ đồng. Đây trước hết là thành quả hoạt động kinh doanh tích cực của các ngân hàng.

Nhưng ở hướng ngược lại, các khách hàng luôn cho rằng lãi suất cho vay và phí một số dịch vụ của ngân hàng vẫn còn cao.

Hoạt động cho vay một vốn nhiều lời

Theo số liệu báo cáo tài chính hợp nhất định kỳ quý, bán niên độ và niên độ của nhóm ngân hàng luôn có lợi nhuận nghìn tỷ và chục nghìn tỷ đồng, thì hoạt động cho vay của ngân hàng thực tế một vốn nhiều lời. Các ngân hàng này tạo được kết quả kỳ diệu nhờ chủ yếu huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, trong khi lãi suất cho vay vẫn ở mức bình thường của thị trường. Từ đây đã tạo ra biên độ lớn chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động vốn bình quân (NIM).

Hoạt động nghiệp vụ tại VietinBank. Ảnh Hải Linh
Hoạt động nghiệp vụ tại VietinBank. Ảnh Hải Linh

Chẳng hạn với Techcombank, thu nhập lãi cho vay 6 tháng đầu năm 2022 là 21.251 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi huy động vốn chỉ là 5.346 tỷ đồng. Nếu lấy doanh thu lãi chia cho chi phí lãi thì tỷ lệ này hơn 3,97 lần. Đúng là kinh doanh một vốn bốn lời. Có được kết quả này nhờ ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong tổng tiền gửi là 43,37% (chưa tính tiền gửi ký quỹ không kỳ hạn). CASA là nguồn vốn dường như ngân hàng được quyền sử dụng với mức lãi suất tiền gửi không đáng kể, có ngân hàng áp dụng gần như bằng 0.

Nhiều năm qua Techcombank áp dụng lãi suất chỉ là 0,03%/năm. Nên chỉ riêng nguồn CASA gần 140.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân 8%/năm của ngân hàng này có thể mang lại hơn 11.000 tỷ đồng thu nhập lãi thuần/năm. Từ 5/11 vừa rồi Techcombank tăng lãi suất CASA lên hơn 33 lần, tức 1%/năm. Việc tăng lãi suất với cơ chế “nước lên thuyền lên” theo truyền thống của ngân hàng thì nguồn CASA đang tiếp tục quyết định thành tích lợi nhuận nhiều nghìn tỷ đồng cho Techcombank.

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên độ 2022 của không ít ngân hàng khác cũng cho thấy tỷ lệ thu nhập lãi cho vay trên chi phí lãi huy động tính bằng lần. Các ngân hàng như MB, MSB, VCB, ACB có tỷ lệ thứ tự tương ứng là 3,55 - 2,89 - 2,62 - 2,52 lần, nhờ tỷ lệ CASA cao tương ứng là 41,91%, 35,21%, 33,65%, 22,67% (chưa tính tiền gửi ký quỹ). Theo số liệu từ 27 ngân hàng niêm yết, có 13/27 ngân hàng có tỷ lệ CASA từ 15,1% đến 43,37% và 14/27 ngân hàng có tỷ lệ từ 5,6% đến 13,8%. Có thể thấy, tỷ lệ CASA cao hay thấp đang quyết định lợi nhuận của ngân hàng cao hay thấp.

Thu nhập dịch vụ tăng trưởng “nóng” và hệ lụy

Bên cạnh kinh doanh cho vay một vốn nhiều lời như nói trên thì các ngân hàng có lợi nhuận khủng một phần do hoạt động dịch vụ và ngoại hối mang lại. Nhiều ngân hàng có thu nhập lãi thuần hoạt động dịch vụ đóng góp trong tổng thu nhập lãi thuần hoạt động khá cao. Báo cáo hợp nhất bán niên độ năm 2022 cho thấy tỷ lệ thu nhập lãi thuần dịch vụ trên tổng thu nhập hoạt động của Sacombank, Techcombank, TPBank, ACB, Vietcombank, VietinBank thứ tự tương ứng là 28,91%, 18,29%, 14,55%, 12,57%, 10,42%, 9,58%.

Thu nhập lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng nhanh giúp các ngân hàng cấu trúc lại cơ cấu thu nhập kinh doanh theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào thu nhập “độc canh” tín dụng. Nhờ triển khai dịch vụ bán chéo sản phẩm nên những năm gần đây không ít ngân hàng có lợi thế tăng nhanh nguồn phí hoa hồng môi giới bảo hiểm, phí tư vấn và môi giới chứng khoán, phí thanh toán thẻ, phí thanh toán ngân hàng số. Để cạnh tranh nguồn CASA nên một số ngân hàng đang mạnh mẽ triển khai chiến lược miễn/giảm nhiều loại phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng. Cho nên trước mắt họ đang hụt thu phí dịch vụ mảng kinh doanh này.

Động cơ tăng trưởng nóng thu nhập dịch vụ đã và đang dẫn đến một số hệ lụy. Thứ nhất, gây áp lực lớn lên tâm lý nhân viên ngân hàng khi họ được giao một loạt chỉ tiêu công việc thông qua quy định KPI khá khó khăn. Thứ hai, để hoàn thành chỉ tiêu KPI các nhân viên buộc phải đưa ra các hành động mang tính dụ dỗ, thậm chí “ép” khách hàng thực hiện một số dịch vụ khi họ không có nhu cầu và không có quy định của NHNN. Thứ ba, nguy cơ không chỉ nhân viên ngân hàng mà đến lượt cả ngân hàng có thể vi phạm pháp luật lúc nào không biết.

Tình trạng nhân viên ngân hàng dụ dỗ rồi ép khéo khách hàng mua một số loại hợp đồng bảo hiểm không bắt buộc khi giải ngân vốn vay không phải là hiện tượng mà thực chất khá phổ biến tại nhiều ngân hàng. Về nguyên tắc pháp luật, hoạt động cho vay của các ngân hàng được điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật và các văn bản của NHNN. Cho đến nay hoàn toàn không có nội dung nào trong văn bản quản lý hoạt động cho vay của NHNN quy định khách hàng phải mua hợp đồng bảo hiểm kèm theo hợp đồng TD.

Ngày 15/6 tại cuộc họp báo do NHNN tổ chức, đại diện cơ quan Thanh tra Giám sát của NHNN đã khẳng định, việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, nếu TCTD ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm là vi phạm quy định, sẽ bị xử phạt. Ngày 16/9 NHNN đã có Văn bản 6535/NHNN-TTGSNH chỉ đạo một số nội dung về đảm bảo hoạt động ngân hàng, trong đó có nội dung nghiêm cấm các TCTD “ép” khách hàng mua bảo hiểm mới được giải ngân vốn vay.

Tuy nhiên, thực tế quy định của NHNN có được thực thi hay không phụ thuộc ý chí chủ quan của các TCTD. Mặc dù khách hàng phản đối nhưng đây là câu chuyện tế nhị trong quan hệ vay vốn, cho nên sẽ rất hiếm khách hàng mạnh dạn đơn từ với bằng chứng tố cáo TCTD vi phạm. Thanh tra Giám sát của NHNN vì vậy không có bằng chứng để xử lý.

Bên cạnh đại lý bảo hiểm, một số ngân hàng cũng có chiến lược phát triển nóng dịch vụ tư vấn, môi giới chứng khoán. Tuy nhiên, qua sự cố SCB vừa rồi các ngân hàng chắc đã thấm thía. SCB không chỉ bị NHNN kiểm soát đặc biệt theo quy định mà có thể phức tạp hơn nhiều khi quyền lợi của hàng nghìn nhà đầu tư cá nhân bị ngân hàng này tư vấn mua trái phiếu Công ty An Đông. Chính sự cố SCB đã chứng minh hệ lụy tiêu cực trong phát triển nóng hoạt động dịch vụ của ngân hàng.