Ngân hàng ngoại thoái vốn: Thị trường tài chính Việt kém hấp dẫn?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giai đoạn 2005 - 2010, hàng loạt ngân hàng ngoại ồ ạt vào Việt Nam thông qua mua cổ phần ngân hàng nội, mở chi nhánh, văn phòng đại diện, thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây, một số ngân hàng ngoại lại đang rút vốn hoặc thu hẹp hoạt động ở Việt Nam.

Đến và đi
Trường hợp rút vốn mới đây nhất là Ngân hàng Standard Chartered chính thức không còn là cổ đông tại Ngân hàng Á Châu (ACB) sau khi đã hoàn tất hai giao dịch thoái vốn. Cụ thể, Standard Chartered (Hong Kong) và Standard Chartered (Anh) lần lượt đã bán thành công 64,2 triệu cổ phiếu (tương đương 6,25% vốn) và 89,86 triệu cổ phiếu (chiếm 8,75% vốn) của ACB. Các giao dịch được hoàn tất trong ngày 9/1.
Trước Standard Chartered, BNP Paribas cũng vừa thoái toàn bộ 18,68% vốn của Ngân hàng Phương Đông (OCB) sau 10 năm đầu tư. Sớm hơn nữa, HSBC cũng đã hoàn tất rút toàn bộ vốn sau nhiều năm đầu tư vào Techcombank. Ngân hàng CommonWealth Bank of Australia (CBA) chuyển giao toàn bộ hoạt động kinh doanh của chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh cho Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB). Còn ANZ Việt Nam cũng đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam, để đến tháng 12/2017, Ngân hàng ANZ của Australia đã chính thức chia tay thị trường Việt Nam…
Việc hàng loạt các ông lớn trong ngành tài chính thế giới muốn rút vốn khỏi ngân hàng Việt sau một thời gian hợp tác khiến nhiều ý kiến lo ngại đây là một xu hướng. Một loạt các vấn đề như tỷ lệ nợ xấu lớn, quản trị rủi ro nhiều thiếu sót làm giảm tính hấp dẫn của các ngân hàng Việt được đặt ra.
Bán cho ai?
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng lại cho rằng, nói phong trào hay xu hướng thoái vốn bởi các ngân hàng ngoại khỏi các ngân hàng nội địa là hơi vội vàng. Theo ông Lực, môi trường kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian gần đây có rất nhiều yếu tố tích cực, lợi nhuận ngân hàng tăng cao. Đặc biệt, thị trường ngân hàng bán lẻ còn rất nhiều tiềm năng. Giá cổ phiếu ngân hàng đang có quãng thời gian tăng giá mạnh khi những thông tin về hoạt động và nợ xấu đều rất khả quan.
Có thể loại ra ngay thương vụ ANZ bán lại mảng bán lẻ cho Shinhan ra khỏi “phong trào” hay “xu hướng”. Nếu có, đơn giản vì ông chủ mới mua lại mảng bán lẻ của ANZ cũng là một ngân hàng ngoại. “Nếu đứng trên quan điểm rằng các ngân hàng ngoại đang có cái nhìn bi quan vào hệ thống ngân hàng Việt Nam nên họ đang thoái vốn hàng loạt thì sẽ rất khó giải thích tại sao Shinhan lại mua lại một phần của ANZ” - chuyên gia Vũ Đình Ánh bình luận.
Trong khi đó, với Standard Chartered, từ tháng 11/2017, đại diện phần vốn góp của Standard Chartered là ông Andrew Colin Vallis đã thôi làm thành viên HĐQT ACB. Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, số cổ phiếu được Standard Chartered bán cho các nhà đầu tư nước ngoài khác, bao gồm Estes Investments Limited, Sather Gate Investments Limited, Whistler Investments Limited và Boardwalk South Limited. Đáng chú ý, các cổ đông nhận chuyển nhượng đều nắm giữ một lượng cổ phiếu vừa đủ ở mức dưới 5% và không thuộc diện phải công bố thông tin trở thành cổ đông lớn.
Thực tế, các hoạt động rút vốn là những câu chuyện mang màu sắc riêng mang tính nội bộ. Đó có thể là việc tái cơ cấu lại ngân hàng mẹ hoặc cả hệ thống ngân hàng đó trên toàn cầu, tập trung vào những mảng kinh doanh và thị trường cốt lõi, là thế mạnh của mình, hoặc để cắt giảm chi phí, thu hẹp quy mô để đối phó những rủi ro, thách thức mới hay đáp ứng chiến lược hoạt động mới. Chẳng hạn như trường hợp CBA bán toàn bộ chi nhánh của mình tại TP Hồ Chí Minh cho VIB do hiện tại Ngân hàng CBA mẹ đã là cổ đông chiến lược nắm giữ 20% vốn điều lệ tại VIB, do đó CBA - chi nhánh TP Hồ Chí Minh bán lại cho VIB là phù hợp, tránh chồng chéo trong hoạt động tại Việt Nam. Còn đối với ACB, Dragon Financial Holdings Limited cho biết, việc thoái vốn nhằm bảo đảm tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ACB.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh: Còn quá sớm để khái quát hóa các bước đi của một số ngân hàng ngoại hiện nay tại Việt Nam thành bất cứ một xu hướng nào đó. Trong bối cảnh hiện tại, điều có thể nói về việc thoái vốn của một số ngân hàng như vừa qua là có lẽ đó chỉ là những toan tính riêng rẽ phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của họ mà thôi. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần