Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Nhà nước đứng đầu về cải cách hành chính lần thứ 5 liên tiếp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chỉ số tổng hợp 95,40 điểm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2019. Đây là lần thứ 5 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính trong các Bộ, cơ quan ngang bộ.

Đây là kết quả được công bố tại Hội nghị trực tuyến công bố chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2019 của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019, do Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức.

 Ảnh minh họa

Trong 7 năm đánh giá cải cách hành chính theo chỉ số Par index của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần trong Top 3 và liên tiếp 5 năm gần đây xếp vị trí dẫn đầu. Đồng thời, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam luôn có sự cải thiện và duy trì thứ hạng cao so với các quốc gia trên thế giới.

Báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 được Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố ngày 24/10/2019, chỉ số tiếp cận tín dụng tăng 5 điểm và tăng 7 bậc, đứng thứ 25/190 nền kinh tế (vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là tăng ít nhất 1 bậc trong năm 2019), đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei). Trong đó, chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng của Việt Nam đạt điểm tối đa 8/8 điểm.

Nhận thức sớm yêu cầu cải cách hành chính trong ngành ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng với cơ hội và thách thức đan xen, cải cách hành chính là xu hướng tất yếu khách quan để ngành ngân hàng hội nhập và phát triển ngang tầm các ngân hàng trong khu vực và thế giới.

NHNN đã xác định rõ các định hướng, mục tiêu và xây dựng kế hoạch cải cách hành chính tổng thể hết sức cụ thể trong từng giai đoạn 5 năm và hàng năm, thường xuyên rà soát, bổ sung; trên cơ sở đó kiên trì bền bỉ chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ trong toàn ngành.

Theo quan điểm của NHNN, cải cách hành chính là cơ hội, yêu cầu tất yếu để từng hệ thống tổ chức tín dụng phát triển, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ, sức cạnh tranh với các ngân hàng trên thế giới. Đổi mới phương thức phục vụ của ngành ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, cải thiện rõ nét môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, quan điểm về cải cách trong 10 năm tới sẽ tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả các lĩnh vực cải cách hành chính nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai toàn diện 6 lĩnh vực cải cách hành chính, trọng tâm vào 3 trụ cột là cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng thời, ngành tiếp cận, ứng dụng nhanh công nghệ hiện đại đi đôi với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đưa các sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất cho doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.

Ngoài ra, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế nói chung và hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng bằng kết quả của Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các chương trình cải cách hành chính hiện nay.