Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Nhà nước ra mắt 2 ấn phẩm đặc biệt chào mừng 70 năm thành lập ngành

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 29/4, NHNN tổ chức Lễ ra mắt 2 cuốn sách "Lịch sử đồng tiền Việt Nam" và "Lịch sử ngân hàng Việt Nam 1951-2021". Đây là một trong nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951-6/5/2021).

“Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951-2021” và “Lịch sử đồng tiền Việt Nam” được hai nhóm biên soạn của NHNN dày công xây dựng trong một thời gian dài với rất nhiều nỗ lực, tâm huyết, kiên trì, tỉ mỉ và đầy trách nhiệm.

Cuốn sách Lịch sử đồng tiền Việt Nam là công trình khoa học đồ sộ, toàn diện đầu tiên về các mốc ra đời, đặc điểm, chất liệu và ý nghĩa kinh tế-xã hội của mỗi đồng tiền Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử hơn 1000 năm qua do NHNN Việt Nam với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng và cơ quan phát hành tiền của Chính phủ Việt Nam xuất bản.

 Trụ sở NHNN Việt Nam

Cuốn sách có cách tiếp cận mới - hệ thống tổng thể đồng tiền Việt Nam theo lịch đại và đồng đại. Cuốn sách cho thấy đồng tiền Việt Nam, ngoài giá trị tự thân còn là một vật chứng tin cậy, phản ánh trung thực, sinh động tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt từ năm 1945 đến nay, đồng tiền Việt Nam có thể được xem như là một nguồn tin/sử liệu quan trọng phản ánh sự nghiệp đấu tranh, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Với 650 trang cùng toàn bộ hồ sơ khoa học của hơn 1.200 mẫu tiền, cuốn sách là một câu chuyện lịch sử hấp dẫn, làm nổi bật giá trị văn hóa đặc sắc của đồng tiền Việt Nam. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, các đồng tiền đều là những tác phẩm nghệ thuật, in đậm dấu ấn tinh hoa, giá trị truyền thống riêng biệt, độc đáo của văn hóa Việt Nam. Đó chính là thành công của nhóm các tác giả biên soạn.

Cuốn sách có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn không chỉ đối với ngành ngân hàng mà còn là nguồn tài liệu có tính giáo khoa, góp phần giáo dục, quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế của tiền tệ Việt Nam, đồng thời cũng là nguồn tham khảo quý đối với cộng đồng, các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm cũng như mọi người dân quan tâm đến tiền Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đây còn là cơ sở khoa học đặc biệt quan trọng và cần thiết cho việc xây dựng Bảo tàng tiền Việt Nam trong tương lai.

Cuốn sách thứ 2 ra mắt là Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951-2021. Cuốn sách ghi lại đầy đủ những dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng 70 năm qua. Những thành tựu cơ bản, những bài học kinh nghiệm quý giá và đặc biệt là quá trình xây dựng, phát triển mạnh mẽ của hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã được ghi lại một cách chân thực, khách quan với nhiều hình ảnh, tư liệu sinh động, mang đến cho cuốn sách giá trị lịch sử to lớn.

Với tinh thần nghiêm túc, khoa học, với tình cảm trân trọng và đầy tự hào về lịch sử xây dựng và phát triển 70 năm ngân hàng Việt Nam, Ban soạn thảo đã cố gắng biên soạn đầy đủ, chân thực nhất, nêu bật những điểm nhấn của một giai đoạn lịch sử đầy biến động, nhiều khó khăn, thách thức với chủ đề “Tiếp tục tái cơ cấu toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng, phát triển bền vững ngành Ngân hàng trên nền tảng công nghệ 4.0”.

Trong quá trình biên soạn, để đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ, Ban soạn thảo đã nhiều lần gửi lấy ý kiến các đơn vị có liên quan trong NHNN, một số chuyên gia lịch sử kinh tế và các đồng chí nguyên là lãnh đạo ngành qua các thời kỳ, đồng thời thu thập, nghiên cứu các ý kiến đánh giá, các góc nhìn của chuyên gia và các nhà nghiên cứu, ý kiến, nhận định của các chuyên gia và tổ chức quốc tế để có thông tin đầy đủ, đa chiều, toàn diện hơn về kết quả hoạt động của ngành ngân hàng.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt 2 cuốn sách, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cảm ơn sự tham gia biên soạn, thiết kế, sưu tầm, góp ý đầy tâm huyết và nhiệt tình của các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Ngành qua các thời kỳ, các đồng chí cán bộ công tác lâu năm trong ngành Ngân hàng, các đồng chí trong Ban liên lạc C32, B29, N2683, các chuyên gia nghiên cứu lịch sử kinh tế, các nhà sử học, các chuyên gia về tiền tệ, bảo tàng, các nhà sưu tầm tiền, các đơn vị, cá nhân thuộc NHNN, NHTM... đã cung cấp những thông tin, tư liệu quý giá, có ý nghĩa lịch sử, cũng như đã đồng hành trong suốt quá trình biên soạn hai cuốn sách.

Năm 2021 là năm đánh dấu chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Ngân hàng, sự kiện có ý nghĩa quan trọng và niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng. Để hướng tới chào mừng sự kiện này, ngày 4/12/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-NHNN về  tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng. Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Ngành, khơi dậy niềm tự hào trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng, đồng thời tuyên truyền về những kết quả  đạt được của ngành Ngân hàng trong 70 năm xây dựng và phát triển, những đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, phát triển kinh tế xã hội, đổi mới và hội nhập của đất nước.

Cách đây 70 năm, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn khi mà lần đầu tiên nước ta có một NHNN dân chủ nhân dân. Đó là kết quả của quá trình xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ, đánh dấu bước phát triển mới về chất trong hoạt động tiền tệ, tín dụng ở nước ta.

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ngành Ngân hàng đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập nhằm tri ân các thế hệ cán bộ ngân hàng đi trước và khơi dậy lòng tự hào, ý chí, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao của thế hệ cán bộ ngân hàng hôm nay, góp phần thúc đẩy hệ thống ngân hàng phát triển ngày càng vững mạnh.

Trải qua 70 năm xây dựng, củng cố và phát triển, ngành Ngân hàng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, không chỉ góp phần quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến, giành độc lập, tự do, thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà còn giữ vị trí huyết mạch quan trọng trong công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới.