Ngân hàng nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép giữa “bão” Covid-19

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Báo cáo tài chính bán niên 2021 đang lần lượt được các ngân hàng công bố. Theo đó, ngoài việc ngoài thành các mục tiêu kinh doanh đề ra, nhiều ngân hàng đã triển khai các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đồng hành cùng khách hàng- cứu người, cứu mình
6 tháng đầu năm, dịch Covid-19 bùng phát với những diễn biến vô cùng phức tạp, đặc biệt là vào quý II/2021 đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế - xã hội trong nước. Trước bối cảnh đó, các ngân hàng đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi lãi suất, giảm - giãn thời gian trả nợ vay, cung cấp kịp thời nguồn vốn để khách hàng tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh.
Báo cáo tài chính bán niên của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới công bố cho thấy, ngân hàng này đã thực hiện giảm lãi suất trên 4.500 tỷ đồng dư nợ đối với khách hàng thuộc đối tượng theo thông tư 03 của NHNN và 56.000 tỷ đồng dư nợ cho các khách hàng khác chịu ảnh hưởng do dịch bệnh thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Ngoài ra, OCB đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cộng đồng gồm tặng 7.400 bộ test nhanh Covid 19 cho các bệnh viện dã chiến và khu cách ly trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; hỗ trợ chi phí lưu trú cho đội ngũ y bác sĩ; phối hợp cùng với thực hiện Quỹ Hy vọng nhằm trang bị đồ bảo hộ đạt chuẩn cho lực lượng tuyến đầu…
  Nguồn thu của OCB được đa dạng hóa và tỷ lệ thu thuần ngoài lãi trên tổng thu thuần đạt 34,1%
Cũng đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh, 6 tháng năm 2021, KienLongBank tiếp tục các giải pháp nhằm đồng hành, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của đại dịch. Trong đó, Kienlongbank mạnh dạn triển khai các giải pháp cơ cấu lại nợ; miễn, giảm phí dịch vụ và lãi vay, cho vay mới với lãi suất ưu đãi; miễn phí hoàn toàn dịch vụ chuyển tiền trong nước bằng VND; miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19; miễn phí chuyển đổi thẻ ghi nợ nội địa sang thẻ chip; cải tiến và cho ra mắt những sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại như hệ thống máy giao dịch tự động STM, ... “Các giải pháp này vừa góp phần mang đến cho khách hàng những giải pháp tài chính linh hoạt, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn, tiện lợi. Bên cạnh đó, Kienlongbank ủng hộ số tiền 15 tỷ đồng trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 và mua vaccine cho cán bộ nhân viên, cộng tác viên của ngân hàng”- bà Trần Tuấn Anh – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Kienlongbank cho biết.
Lợi nhuận đến từ đâu?
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng- Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng, lợi nhuận ngân hàng có được từ nhiều yếu tố.
Đầu tiên, bản thân các tổ chức tín dụng đã tự củng cố, nâng cao được năng lực quản trị, năng lực tài chính của mình. Đơn cử, năng lực tài chính được nâng cao thông qua biện pháp tăng vốn điều lệ. Gần như tất cả các tổ chức tín dụng đã tăng được vốn điều lệ để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II. Nhiều ngân hàng trong nhiều năm liền không chi trả cổ tức cho cổ đông để dành nguồn lực vốn cho tương lai
Thứ hai, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tiết giảm chi phí hoạt động. Đặc biệt, phải kể tới sự hình thành ngân hàng số - một trong những bước chuyển mạnh mẽ của ngành ngân hàng, giúp ngân hàng có điều kiện tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.
Thứ ba, khác với trước kia, nguồn thu của ngân hàng chủ yếu là từ thu lãi vay thì nay, tỷ lệ thu từ dịch vụ tại các tổ chức tín dụng đều gia tăng, có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% vào lợi nhuận.
Thứ tư, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng mang lại hiệu quả cao. Đây là một trong những điểm quan trọng giúp phá tan băng “cục máu đông” nợ xấu, tạo điều kiện luân chuyển vốn trong nền kinh tế, giúp tăng tỷ lệ thu nhập bất thường ở các tổ chức tín dụng trong thời gian qua…
 6 tháng năm 2021, KienLongBank tiếp tục các giải pháp đồng hành, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của đại dịch
Tại OCB, ngân hàng này đã không ngừng nỗ lực trong việc đảm bảo tăng trưởng, kiểm soát tốt rủi ro và duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả theo kế hoạch đã đặt ra. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng thu thuần đạt 4.249 tỷ, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thu thuần ngoài lãi tiếp tục tăng trưởng 13,3% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ dịch vụ đóng góp tỷ trọng lớn 24% trên tổng thu ngoài lãi, tương đương 351 tỷ đồng nhờ tăng trưởng mạnh hoạt động bảo hiểm Bancas, thu từ phí thẻ và các hoạt động tư vấn khác. Với những kết quả khả quan từ hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán, trong nửa đầu 2021, mảng này duy trì đóng góp 57% thu ngoài lãi, tương đương 827 tỷ đồng. Với những kết quả khả quan trên, nguồn thu của OCB được đa dạng hóa và tỷ lệ thu thuần ngoài lãi trên tổng thu thuần đạt 34,1%.
Về hiệu quả hoạt động, trong nửa đầu năm 2021, tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của OCB thuộc trong nhóm thấp nhất toàn ngành khi giảm còn 28,1% từ mức xấp xỉ 30% trong cùng kỳ năm ngoái nhờ năng suất lao động được tối ưu hóa do tăng cường đầu tư công nghệ. Từ đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng trưởng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.661 tỉ đồng và tương đương 48% kế hoạch năm.
Đặc biệt, thanh toán online bùng nổ trong giai đoạn này, sau khi OCB triển khai định danh điện tử (eKYC). Số liệu cho thấy, tỷ lệ giao dịch thanh toán online tăng lên hơn 30% trong 6 tháng đầu năm 2021, đánh dấu hiệu quả trong triển khai ngân hàng số của OCB thời gian qua. Theo đại diện OCB, với sự ra đời của eKYC, khách hàng ngày càng trở nên quen thuộc hơn với việc sử dụng ứng dụng di động để mở tài khoản ngân hàng và thực hiện các giao dịch ngân hàng qua kênh online.
Còn tại KienLongBank, tính đến ngày 30/6/2021, hoạt động kinh doanh của Kienlongbank đạt kết quả ấn tượng, thông qua việc đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh doanh, dựa vào lợi thế và tiềm năng sẵn có để mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ. Lợi nhuận trước thuế đạt 805,70 tỷ đồng, tăng 409,26 % so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 80,57% kế hoạch năm. Ngân hàng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản lý rủi ro; gia tăng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng; nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, đẩy mạnh phát triển ngân hàng số theo định hướng chiến lược của Kienlongbank giai đoạn 2021 – 2025.